Phòng ngừa xâm hại trẻ em
Theo thống kê tại các cơ sở y tế trong tỉnh, từ năm 2021 đến nay, đã ghi nhận 126 trẻ bị xâm hại; riêng những tháng đầu năm 2023 có 14 trẻ em bị xâm hại tình dục, 2 trẻ bị bạo lực và 1 trẻ bị bỏ rơi. Trong số 126 trẻ em bị xâm hại, có 121 trẻ bị xâm hại tình dục, 3 trẻ bị bạo lực và 2 trẻ bị bỏ rơi.
Nhóm phát triển cộng đồng tại Lâm Hà tập huấn lập kế hoạch truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em tại địa bàn
Theo đánh giá của Sở Y tế Lâm Đồng, tình hình xâm hại trẻ em ngày càng có diễn biến phức tạp. Nạn nhân đa số là trẻ em có độ tuổi từ 13 - 16 tuổi, độ tuổi các em dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, xâm hại. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trẻ em có điều kiện tiếp cận với mạng xã hội, trong khi các em không cảnh giác, kết bạn với các đối tượng xấu và lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin để dụ dỗ xâm hại tình dục đối với trẻ. Nhiều sự việc được gia đình, cơ quan chức năng phát hiện muộn, đưa đến giám định muộn nên tính chính xác của vụ việc bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa về xâm hại trẻ em ở các địa phương còn hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do nhận thức của một số người dân chưa quan tâm đến việc xâm hại trẻ em nên thường chậm báo với các cơ quan chức năng. Hành vi xâm hại trẻ em phần lớn do người thân, người quen biết, bạn bè đồng trang lứa gây ra, các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em không tập trung vào một nhóm xã hội cá biệt nào hay độ tuổi nào.
Hàng năm, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức lồng ghép công tác kiểm tra giám sát tình hình thực hiện các quy định về khám, chữa bệnh cho trẻ em và trẻ em khuyết tật cùng với công tác y tế, khảo sát hài lòng người nhà bệnh nhân, bệnh nhân tại tất cả các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống bắt cóc trẻ em được các đơn vị nghiêm túc triển khai. Từ năm 2019, trong toàn ngành không có trường hợp bắt cóc trẻ em xảy ra. Tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại và thực hiện đầy đủ quy trình can thiệp, hỗ trợ theo hướng dẫn tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ.
Ngành Y tế tỉnh phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện kiểm tra y tế học đường tại các cơ sở giáo dục. Thực hiện giám sát vệ sinh môi trường, nguồn nước uống, nước sinh hoạt, các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn công tác y tế trường học như: Phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và bữa ăn bán trú cho cán bộ làm công tác y tế trường học các tuyến. Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, khám, quản lý sức khỏe học sinh, kỹ năng truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh. Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại trường phổ thông trung học cho toàn bộ giáo viên, cán bộ, công nhân viên và lồng ghép phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường.
Triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở y tế. Trong công tác khám và điều trị, đội ngũ nhân viên y tế đã chú ý hơn đến việc đánh giá các dấu hiệu nghi ngờ bị xâm hại ở trẻ, qua đó tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em nghi bị xâm hại. Thực hiện giám định sức khỏe cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng, ưu tiên khám, chữa bệnh, giám định cho trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại. Từ năm 2021 đến nay, có 126 trẻ em bị xâm hại đã được giám định sức khỏe.
Các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng,chống bạo lực, xâm hại trẻ em được phổ biến đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua các buổi học tập, sinh hoạt chuyên đề hoặc lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên môn. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tập trung vào trách nhiệm của toàn ngành Y tế trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và giáo dục trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; các nội dung của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh… Thông qua các ứng dụng của mạng xã hội hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em các kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; giáo dục, giám sát, trông coi trẻ em, đặc biệt trong dịp hè, trong thời gian các em nghỉ học do dịch bệnh COVID-19.
Hệ thống tiếp nhận thông tin và tư vấn về bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp pháp lý cho trẻ em được hình thành và phát triển. Các trung tâm tư vấn, trợ giúp pháp lý đã thực hiện tốt việc can thiệp, tư vấn cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; không ít đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em đã bị các cơ quan hữu quan điều tra, bắt giữ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Thời gian qua, ngành Y tế đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về hoạt động nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cần sự vào cuộc của toàn thể xã hội, trong đó quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành để phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và hỗ trợ hiệu quả.
Giải pháp trong thời gian tới, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục giới tính cho trẻ em trong độ tuổi và người nhà để nâng cao tầm quan trọng, sự nguy hiểm, ảnh hưởng của xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh; chú trọng các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cộng tác viên dân số, gia đình, y tế thôn, bản và cán bộ y tế tại các đơn vị trong ngành Y tế ngoài các hoạt động chuyên môn còn tham gia hỗ trợ công tác tuyên truyền, các hoạt động phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Thường xuyên tổ chức tập huấn phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông, đội ngũ y tế thôn, bản, cộng tác viên để cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về những quy định mới, văn bản mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành, trong đó có nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phát huy vai trò và nâng cao năng lực của đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, y tế thôn, bản và cán bộ y tế tuyến cơ sở trong triển khai tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tập trung định hướng cho các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ, giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho phụ nữ và trẻ em lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế.
AN NHIÊN
http://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202305/phong-ngua-xam-hai-tre-em-71d0b4d/