Như chuyến đò ngang nặng đầy con chữ

17.02.20242662 đã xem

   Khi bật laptop gõ những dòng đầu tiên cho bài viết này, tôi chợt nhớ về câu chuyện của 10 năm trước. Câu chuyện về cô bé người Cill, Đa Cát Ka Niêm. Một cô bé lớp 6, đã không lành lặn ngay từ lúc sinh ra, em mất cả hai chân, nhưng vẫn đều đặn mỗi ngày đến trường trên lưng của cha. Tôi đặt tựa đề cho bài viết ấy là “Cõng nắng gầy về phía ngày mai”, bởi trong ánh mắt thương cảm (và bội phục) em vẫn đi về phía đó, nhiều những hy vọng. Dẫu đầy nhọc nhằn, nhưng đó giống như một cuộc hành trình đi về phía tương lai bằng ánh sáng của trái tim dẫn lối.

Đầu tư cho giáo dục là giải pháp căn cơ để Đam Rông có được sự phát triển nhanh nhất

   Hành trình “con chữ” của Ka Niêm trên lưng cha hay vai mẹ bắt đầu từ lúc sinh ra. Em bắt đầu cuộc sống của mình ở một buôn nghèo, thiếu thốn và ít học, cô bé thứ bảy trong gia đình đông con ấy chỉ được tạo hóa ban cho cái đầu lành lặn khi đã lấy đi của em đôi chân. Hành trình đến lớp của Đa Cát Ka Niêm giống như câu chuyện của giáo dục Đam Rông 20 năm về trước, cũng đầy nhọc nhằn và thương cảm.

1. Năm học 2023, Đam Rông là huyện duy nhất của cả tỉnh có tỷ lệ học sinh trung học phổ thông đậu tốt nghiệp 100%. Con số ấy sẽ khiến nhiều người giật mình, bởi hơn 20 năm trước, khi Đam Rông mới chỉ phôi thai để thành hình, để đến được trung tâm ba xã Đầm Ròn, cách thuận tiện nhất vẫn là vòng sang Đắk Lắk, ngược dòng Krông Nô, qua bến đò xã Đạ M’rông bằng những chuyến đò ngang.

   “5 năm làm Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo là 5 năm chưa bao giờ trường lớp đủ giáo viên”, ông Lê Ích Nghĩa - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông nhớ lại quãng thời gian còn đảm nhiệm vị trí này khi huyện mới thành lập. Đấy là những ngày ông và đồng nghiệp của mình tất tả ngược xuôi Đà Lạt - Đam Rông để tìm giáo viên cho huyện. “Tìm được giáo viên, mượn xe huyện lên đón về, bố trí nơi ăn chốn ở, sáng gật đầu ở lại đứng lớp, chiều vào đã thấy bỏ đi, không một tin nhắn hồi âm. Anh em trong này chỉ biết nhìn nhau cười trừ”. Theo ông Nghĩa, thời gian ông giữ cương vị Trưởng Phòng Giáo dục, câu ông nghe được nhiều nhất từ các đồng nghiệp ở các trường khi gọi về Phòng đó là: “Anh ơi, nó lại bỏ rồi!”.

   Không thể kể hết những âu lo, bởi khi huyện được thành lập, quy mô trường lớp được mở rộng, được đầu tư xây mới, nhưng giáo viên lại không có. Lãnh đạo huyện Đam Rông và Phòng Giáo dục - Đào tạo phải vắt óc nghĩ ra nhiều phương án khả dĩ nhất có thể, bởi đây là nhiệm vụ chính trị bắt buộc được Tỉnh ủy Lâm Đồng giao phó để có thể phát triển Đam Rông bên cạnh việc dồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu.

   Để giải quyết kịp thời những vấn đề trước mắt, giáo viên đứng lớp của Đam Rông trong giai đoạn ấy là đội ngũ tri thức trẻ tình nguyện (kể cả những người chưa có nghiệp vụ sư phạm), là sinh viên tham gia dạy xóa mù theo Chương trình “Ánh sáng văn hóa” của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Về lâu dài, là đi vận động tất cả các em học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông trong huyện, rồi xin chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo mở lớp nghiệp vụ sư phạm cấp tốc. Hơn thế, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cũng kêu gọi tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong huyện nhắn nhủ với người thân là những sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm vào làm việc, huyện sẽ bảo đảm biên chế.

   Để giữ chân, những người làm công tác giáo dục của huyện Đam Rông còn nghĩ ra phương kế vẹn toàn, đó là mai mối, “dựng vợ - gả chồng”, kêu gọi hỗ trợ từ sự giúp đỡ của người trong ngành xin đất, làm nhà tạm cho những trường hợp thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm gắn bó. Có một câu chuyện vui của giáo dục Đam Rông lúc bấy giờ là, giáo viên cứ kết duyên với bộ đội hoặc công an là ổn định, bởi lương cao hơn so với ngành nghề, lĩnh vực khác.

   Cách trở lớn nhất lúc bấy giờ của Đam Rông là sự xa xôi và hẻo lánh. Lương giáo viên lại thấp, nhiều khi đau ốm hay có việc phải lên Đà Lạt, xuôi Bảo Lộc khi trở về là đã hết tiền dù đã có lương thu hút.

Sự phát triển bền vững của Đam Rông cần phải được bắt đầu từ thế hệ tương lai

2. Có một câu chuyện nữa về hành trình đi tìm “con chữ” ở Đam Rông mà ít ai biết tới. Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông hiện tại - Liêng Hót Ha Hai là người dân tộc thiểu số đầu tiên của ba xã Đầm Ròn (Đạ Tông, Đạ Long và Đa M’rông) và của cả huyện Lạc Dương (khi ba xã còn trực thuộc địa bàn huyện này) có tấm bằng cử nhân. Ông nói: Tiểu học, trung học cơ sở cả lớp chỉ vài người, sáng đến lớp, chiều chăn trâu. Tây Nguyên mùa mưa, đến lớp đâu có ba lô, cặp sách, nhét tất cả vào gùi, lấy lá phủ lên cho đỡ ướt sách rồi đến lớp, đâu có áo mưa, mũ nón gì đâu! “Cả lớp cứ rơi rụng dần theo mỗi mùa cà phê, mùa bắp, chỉ còn mỗi tôi mê cái chữ nên cứ theo đuổi, dù mẹ chẳng lúc nào khuyến khích”, ông Ha Hai chia sẻ.

   Sự ham học của ông, là những ngày dài xuyên tắt theo lối mòn của rừng, gùi theo gạo, muối để ra Đà Lạt theo học tại Trường THCS-THPT Đống Đa, bởi lúc ấy, khu vực ba xã Đầm Ròn không có trường cấp III. Là những ngày ông quyết tâm thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt - dù gia đình không ủng hộ. Là những ngày hè ông ở lại Đà Lạt làm thêm trong những vườn la gim kiếm tiền ăn học. Ông ít về trong những dịp nghỉ lễ, bởi ông biết, trong niềm vui của cha mẹ, cũng là những nhọc nhằn lo toan để chiếc gùi của ông có thêm nhiều hơn những nắm gạo, con khô, hạt muối.

   Nghĩ về những ngày đã qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - Liêng Hót Ha Hai nói: “Phải đi học, phải có tri thức mới thay đổi được cho vùng đất này”.

   Bí thư xã Đạ Long - Lơ Mu Ha Póh thuộc thế hệ 8x, sinh ra và lớn lên ở Đạ M’rông, anh cũng là một trong số ít người thuộc thế hệ của mình theo đuổi “con chữ” học hành đỗ đạt và thành công trong cuộc sống. Anh thành thật: “Mình chưa bao giờ có ý định bỏ học, dù ở trong những ngày tháng khó khăn nhất. Bởi đơn giản thôi, muốn thay đổi được cuộc sống đói nghèo ở đây, cái gốc rễ, cái cần nhất vẫn cần phải có cái chữ”.

Sự phát triển bền vững của Đam Rông cần phải được bắt đầu từ thế hệ tương lai

3. Năm học 2023, huyện Đam Rông có 456/456 học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tỷ lệ đậu 100%. Đam Rông là huyện duy nhất trong tỉnh có được kết quả ấn tượng này. Khoan vội phân tích đến những vấn đề khác về chỉ số, về số lượng học sinh hay những điểm cộng ưu tiên khu vực. Chắc chắn đây là quả ngọt sau 20 năm những người làm giáo dục ở Đam Rông gieo trồng sau chặng đường đầy gian nan và thử thách ấy.

   Từ những ngày phải tất tả ngược xuôi để kiếm thầy cô về đứng lớp, từ những ngày nửa buổi đứng lớp, nửa buổi vào rừng, lên rẫy để tìm kiếm vận động học sinh đến lớp, đến trường. Năm học vừa qua, toàn huyện đã có 230 học sinh các cấp đoạt giải ở các hội thi sáng tạo khoa học và kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có nhiều học sinh đoạt giải cao.

   Giống như một con đò ngang trắc trở, nhẫn nại chở từng đoàn người qua sông, 20 năm qua, giáo dục Đam Rông đã bắt đầu lần mở những con đường rộng cho riêng mình. Bởi họ biết, chỉ có ‘con chữ”, chỉ có bồi đắp tri thức cho lớp con trẻ sau này mảnh đất ấy mới có điểm tựa vững chắc cho ngày mai tươi sáng.

TUẤN LINH

 

Tin tức khác