Ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19

02.05.2022977 đã xem

     Thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, không chỉ những tháng cuối của năm học 2021-2022 mà cả những năm học kế tiếp, cần có các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chủ yếu và phù hợp. Mục tiêu là nâng cao chất lượng học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên; phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục đẩy mạnh xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa. 

 

Học sinh Trường Tiểu học Phan Như Thạch, Đà Lạt đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường học

      Giữa tháng 4/2022, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch tổng thể về các nhiệm vụ và giải pháp. Trước hết, tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Vai trò quan trọng là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh. Đây là cơ sở tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, nhất là phụ huynh học sinh trong việc tổ chức dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài trong năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo.

 • CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT CÁC PHƯƠNG PHÁP, PHƯƠNG ÁN VÀ HÌNH THỨC DẠY HỌC

      Trải qua các đợt dịch COVID-19, vấn đề thấm nhuần là chủ động, linh hoạt các phương pháp, phương án và hình thức tổ chức dạy học, bảo đảm thích ứng an toàn, chất lượng. Trong đó, hiện thực hóa hiệu quả Phương án số 424/PA-SYT-SGDĐT ngày 18/2/2022 của Sở Y tế và Sở GDĐT. Theo đó, ngành Giáo dục cần thường xuyên phối hợp với ngành Y tế cập nhật, điều chỉnh, linh hoạt chuyển đổi, áp dụng các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, trên truyền hình hoặc kết hợp các hình thức dạy học phù hợp với với từng giai đoạn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Từ thực tế của trường và học sinh, ngành Giáo dục chủ động xây dựng phương án bảo đảm chương trình, nội dung dạy học cho học sinh; thực hiện đúng các hướng dẫn về nội dung dạy học của Bộ GDĐT phù hợp, tránh gây áp lực, quá tải cho học sinh, giáo viên; bảo đảm chất lượng đào tạo cho sinh viên trong trường hợp áp dụng hình thức dạy học trực tuyến; ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho sinh viên đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm, đồ án tốt nghiệp. Tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, đào tạo và phù hợp với việc áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học trong điều kiện dịch bệnh. Áp dụng linh hoạt các phương thức thi, kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên, nhất là các kỳ thi học kỳ, tuyển sinh, tốt nghiệp theo yêu cầu cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học thích ứng với tình hình dịch bệnh, không gây áp lực quá tải và bảo đảm quyền lợi cho học sinh, sinh viên.

 

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh trên địa bàn TP Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc

 • BẢO ĐẢM AN TOÀN KHI TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC TRỰC TIẾP 

      Để chủ động, ngành Giáo dục cập nhật thường xuyên kết quả đánh giá cấp độ dịch của địa phương đến cấp xã để chủ động phối hợp với y tế địa phương, tham mưu UBND các huyện, thành phố xây dựng triển khai thực hiện linh hoạt kế hoạch giáo dục và chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Ngành Giáo dục Lâm Đồng triển khai dạy học học kỳ 2 năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tiếp cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên trên địa bàn tỉnh từ ngày 7/2/2022 trên 12/12 huyện, thành phố. Đến hết ngày 26/4, ông Nguyễn Tấn Hiệp - Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính, Sở GDĐT cung cấp về tỷ lệ học sinh, sinh viên học trực tiếp như sau: Đối với mầm non, có 46.033/60.620 trẻ (tỷ lệ 75,93%); có 196 trẻ đang thuộc diện F0, 419 trẻ đang thuộc diện F1. Đối với tiểu học, có 128.037/134.739 học sinh (tỷ lệ 95,03%); có 693 học sinh đang thuộc diện F0, 261 học sinh đang thuộc diện F1. Bậc trung học cơ sở, có 87.397/90.096 (tỷ lệ 97%); 378 có học sinh đang thuộc diện F0, 160 học sinh đang thuộc diện F1. Bậc trung học phổ thông có 42.606/43.734 học sinh (tỷ lệ 97,42%); có 176 học sinh đang thuộc diện F0, 70 học sinh đang thuộc diện F1. Hệ giáo dục thường xuyên có 1.802/1.905 học sinh (tỷ lệ 94,6%); có 2 học sinh đang thuộc diện F0. Đối với Trường Cao đẳng Sư phạm, 535/557 sinh viên, (tỷ lệ 96,05%); không có sinh viên thuộc diện F0 và F1.

 

Học sinh tiểu học Đà Lạt ngày đầu tiên của năm học 2021-2022 học trực tiếp

      Linh hoạt trước dịch COVID-19 cần xây dựng phương án, kịch bản xử lý các tình huống xuất hiện dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học; chủ động xử lý khi có các trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, theo hướng dẫn của ngành Y tế, tránh xử lý cực đoan, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong nhà trường; sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tuyến, trên truyền hình khi dịch có diễn biến phức tạp. Phối hợp với ngành Y tế trong triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 bảo đảm đủ liều, đúng đối tượng cho trẻ em, học sinh; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu bảo đảm an toàn, vệ sinh trường học trong tình hình mới tại nhà trường...

      Đạt được yêu cầu “học thật, thi thật, chất lượng thật” theo yêu cầu giáo dục đổi mới, đó còn là các nhiệm vụ/giải pháp đồng bộ khác trong ngành và chung tay của các sở, ngành liên quan, các địa phương và toàn xã hội. Bao gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục để tổ chức linh hoạt, hiệu quả các hình thức dạy học. Hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên. Tăng cường nguồn lực đầu tư để tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Tăng cường hỗ trợ người lao động và các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Và cuối cùng là đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa GDĐT.

 TĨNH XUYÊN

Theo Báo Lâm Đồng http://baolamdong.vn/xahoi/202205/nganh-giao-duc-thich-ung-voi-tinh-hinh-dich-covid-19-3114180/

Tin tức khác