Ngành Giáo dục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ học kỳ I

22.02.2022655 đã xem

     Học kỳ I năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Lâm Đồng triển khai thực hiện Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về ứng phó với dịch COVID-19 và tiếp tục đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng nỗ lực của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành, nhiệm vụ học kỳ I đã hoàn thành tốt.

 

Học sinh làm bài kiểm tra cuối học kỳ I, năm học 2021-2022

 • ẢNH HƯỞNG LỚN TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19

      Trong năm học, tỉnh Lâm Đồng có 686 trường mầm non và phổ thông, trong đó, Mầm non 231 trường (59 ngoài công lập); Tiểu học có 226 trường (2 ngoài công lập), THCS 157 trường, THPT 59 trường (3 ngoài công lập), 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Toàn ngành có 334.375 học sinh, 22.118 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 

      Cùng phối hợp giữa ngành với chính quyền địa phương các cấp triển khai, căn cứ hướng dẫn của Bộ GDĐT và tỉnh, Sở GDĐT đã ban hành nhiều văn bản để thích ứng an toàn và linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19. Tỉ lệ học sinh (HS) đi học trực tiếp tính đến ngày 15/2/2022 như sau: Mầm non 39,82%, Tiểu học 84,47%, THCS 87,25%, THPT 85,13%, GDTX 86,36% và Cao đẳng Sư phạm 64,97%. Mặt khác, Sở GDĐT phối hợp Sở Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý Phòng GDĐT; cán bộ quản lý, nhân viên y tế trường học hoặc giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học về nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với kịch bản, phương án xử lý tình huống khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra trong trường học đối với các trường tổ chức dạy học trực tiếp...

      Toàn tỉnh có 62.296/134.354 trẻ Mầm non đến trường, đạt tỉ lệ 46.03%, giảm so với năm học 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch. Mẫu giáo 5 tuổi có 25.923 trẻ/789 lớp/25.978 trẻ, đạt tỉ lệ 99,78%. Bậc Tiểu học có 135.153 HS/4.161 lớp, bình quân 32,4; số HS đến trường đạt tỉ lệ 48,2%; số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 có 27.080/27.080, tỉ lệ 100%. Đáp ứng Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều đợt tập huấn cho đội ngũ. Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 đã được Bộ GDĐT phê duyệt và tổ chức tập huấn, triển khai áp dụng dạy học trong học kỳ 2; đối với lớp 2, đã được Bộ GDĐT góp ý thẩm định. Ở bậc Trung học, tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 cũng đã được Bộ GDĐT phê duyệt và triển khai áp dụng vào cuối tháng 2/2022. Kết thúc học kỳ I, bậc THCS có tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình trở lên đạt 99,83%, và HS xếp loại học lực trung bình trở lên đạt 92,45%; bậc THPT, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm trung bình trở lên đạt 99,69% và HS xếp loại học lực trung bình trở lên đạt 93,87%. 

      Trong học kỳ I, ngành Giáo dục tiếp tục duy trì tổ chức thành công các kỳ thi, cuộc thi. Đơn cử, cuộc thi “Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp” có 23 dự án, trao 14 giải và chọn 2 dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia; Cuộc thi “Vô địch Tin học Văn phòng thế giới năm 2021” cấp quốc gia: có 26 học sinh tham gia, 18 học sinh đạt giải. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2021-2022 có 810/1.815 thí sinh dự thi đạt giải. Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật” cho HS cấp THCS có 12.849 bài dự thi với 12 giải tập thể và 46 giải cá nhân. Cuộc thi “An toàn giao thông” cho HS cấp THPT có 180 giải thi tuần với 10 giải chung cuộc; và cuộc thi KHKT lần 14 cấp tỉnh với 96 dự án đạt giải, chọn 2 dự án tham dự thi cấp quốc gia...

      Học kỳ I năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Lâm Đồng tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và có kết quả như: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng; giáo dục kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác khảo thí, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục...

 • GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG DẠY HỌC THÍCH ỨNG VỚI DỊCH 

      Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải cho biết, một số giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 bao gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền; thông tin kịp thời đến phụ huynh, học sinh các biện pháp phòng dịch; đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả nền tảng công nghệ thông tin như Zalo, e-mail, trang thông tin... Song song với đó là chủ động kế hoạch giáo dục theo hướng chủ động, điều chỉnh nội dung giảng dạy như chỉ đạo của Bộ GDĐT. Mặt khác, tranh thủ “thời gian vàng” đẩy mạnh việc dạy học trực tiếp. “Quan điểm của ngành GDĐT tỉnh là ứng phó linh hoạt, phù hợp với mọi diễn biến của tình hình dịch bệnh và quyết không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau do dịch COVID-19. Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trước diễn biến mới. Chủ động, linh hoạt, thích ứng điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch COVID-19 sẵn sàng cho các phương án dạy học nếu dịch diễn biến phức tạp”, bà Hải cho biết. 

      Cũng theo Sở GDĐT, ngành đã phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh từ 12-17 tuổi. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1, mũi 2 và đang tiến hành tiêm mũi 3. Sở GDĐT đồng thời tiếp tục đề xuất bố trí chi đầu tư nhằm tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương kết hợp ngân sách địa phương. Trong đó, bố trí đủ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án đã được phê duyệt, đặc biệt là kinh phí triển khai chương trình GDPT 2018...

      Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm học 2021-2022, trong học kỳ II, ngành Giáo dục Lâm Đồng cần chủ động, linh hoạt hơn, nhất là tổ chức các hình thức dạy học phù hợp, hiệu quả. Cùng đó là khắc phục những tồn tại như: năng động, sáng tạo ở một số cán bộ quản lý; tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị công nghệ ở trường học. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cần kiểm soát và chủ động tích cực các biện pháp phòng và chống dịch. Mặt khác, đáp ứng đổi mới của Chương trình GDPT 2018 rất cần sự nổ lực ở đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên đã lớn tuổi...

 

MINH ĐẠO

http://baolamdong.vn/xahoi/202202/nganh-giao-duc-no-luc-hoan-thanh-nhiem-vu-hoc-ky-i-3104050/

Tin tức khác