Lâm Đồng duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục

18.03.20221348 đã xem

      Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ký quyết định công nhận tỉnh Lâm Đồng duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Trong tháng 2/2022, Sở GDĐT cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng lập hồ sơ trình Bộ GDĐT kiểm tra, công nhận Lâm Đồng đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2.

 

Kỳ kiểm tra cuối năm học 2020-2021 của học sinh lớp 5

 

• DUY TRÌ VÀ ĐẠT CHUẨN PCGDMN CHO TRẺ 5 TUỔI

       Tính đến thời điểm tháng 12/2021, tỉnh Lâm Đồng có 296 trường mầm non (MN). Trong đó, có 172 trường MN công lập/142 xã, phường, thị trấn. Hệ thống trường lớp MN từng bước được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng trường MN công lập đạt chuẩn quốc gia (hiện đã có 146 trường, tỷ lệ 84,89%, tăng 6 trường so với năm học 2020-2021). Lý giải sự gia tăng mạnh về số trường và số lớp ở cấp học MN, Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi cho rằng:“Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp gia tăng theo từng năm. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Mạng lưới trường, lớp học MN được phát triển đến từng xã, thôn bản; trường tiểu học,THCS đến địa bàn xã và trường THPT đến cụm xã”.

       Số liệu từ Sở GDĐT, Lâm Đồng đã đạt 100% xã, phường, thị trấn có trường mẫu giáo (MG) hoặc MN. Trong đó, có 2.121 nhóm, lớp MN với 95.970 cháu, giảm 206 nhóm, lớp và tăng 4.230 cháu so với năm học 2020-2021.Tỷ lệ trẻ em 0-2 tuổi đến nhà trẻ so với trẻ em trong độ tuổi đạt 35,66%, tăng 5,23% so với năm học 2020-2021. Tỷ lệ trẻ em đi học MG so với trẻ em trong độ tuổi 3-5 tuổi đạt 89,8%, tăng 3,9% so với năm học 2020-2021. 

       Đáng ghi nhận là số trẻ em 5 tuổi ở Lâm Đồng đến trường đạt 99,87%, tăng 0,27% so với năm học 2020-2021. Những yếu tố tác động tích cực đó là Lâm Đồng thực hiện các biện pháp huy động trẻ,cùng thực hiện tốt chế độ chính sách về hỗ trợ chi phí học tập, chế độ miễn giảm, hỗ trợ tiền ăn cho trẻ 5 tuổi... Trong đó, tỷ lệ trẻ học bán trú và 2 buổi/ngày là 100% (riêng trẻ 5 tuổi học bán trú chiếm tỷ lệ 100% trong tổng số trẻ đến trường).

       Cũng theo ông Trần Đức Lợi, cơ sở vật chất và trang thiết bị của các trường tương đối đảm bảo việc tổ chức thực hiện chương trình, cấp bổ sung thiết bị trong lớp cho các lớp MG 5tuổi; bộ đồ chơi, học liệu theo danh mục thiết bị tối thiểu của của Bộ GDĐT ban hành.Ngành đã triển khai đánh giá sự phát triển của trẻ theo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi tại 12 huyện, thành phố và tại 100% trường MN. Qua theo dõi và chăm sóc sức khoẻ thường xuyên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng còn 4,3%, trẻ thấp còi theo độ tuổi còn 6,7%.Kết quả 142/142 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện công nhận duy trì và đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi; đủ tiêu chuẩn công nhận 12 huyện, thành phố duy trì kết quả đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ 5 tuổi.

  • VÀ PHỔ CẬP TIỂU HỌC, THCS, XÓA MÙ CHỮ 

        Năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có 142/142 xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.Trong đó, số trẻ 6 tuổi là 26.445/26.445 em, tỷ lệ đạt 100%; số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 20.318 em, tỷ lệ 96,71%; số trẻ còn lại đang học các lớp khác, không có học sinh bỏ học. Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, toàn tỉnh có 3.601 phòng học kiên cố, 688 phòng học bán kiên cố, 41 phòng học tạm đang được triển khai xây dựng, tỷ lệ 1,04 phòng học/lớp. Hệ thống phòng chức năng, công trình vệ sinh, sân chơi bãi tập đã đáp ứng cơ bản.Mặc dù là tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nhiều nhưng mạng lưới trường lớp rộng khắp, tạo điều kiện cho trẻ em đi học thuận lợi.Toàn tỉnh có 6.280 giáo viên; tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định bình quân 1,45. Giáo viên đạt chuẩn 96,24% và trên chuẩn 68,4%. 

       Đối với PCGD THCS ở Lâm Đồng, cuối năm 2021, Mức độ 1 đạt tỷ lệ 2,8% (4/142 xã, phường, thị trấn); Mức độ 2 đạt 44,4% (63xã, phường, thị trấn) và Mức độ 3 đạt 52,8% (75 xã, phường, thị trấn). 100% huyện, thành phố đủ điều kiện đạt chuẩn PCGD THCS (12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn Mức độ 2; huyện Đạ Tẻh và thành phố Đà Lạt đạt Mức độ 3).Trước đó, năm 1997, Lâm Đồng đã đạt chuẩn PCGD Tiểu học - Chống mù chữ; tháng 12/2008, tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS. Năm học 2021-2022, tổng số trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 toàn tỉnh là 24.720/24.577, tỷ lệ 99,42%. Đối với học sinh lớp 9, năm học 2019-2020 tốt nghiệp THCS đạt 99,6% (79.555/79.875 em).Tổng số đối tượng trong độ tuổi 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp THCS là 75.947/79.875, tỷ lệ 95,09%.Về xóa mù chữ (XMC), tỉnh Lâm Đồng có 100% xã, phường, thị trấn đều đạt Mức độ 2. Cả 12/12 huyện, thành phố đều đủ điều kiện đạt chuẩn XMC Mức độ 2 năm 2021.

       Phó Giám đốc Trần Đức Lợi nhận xét: Qua nhiều năm thực hiện kế hoạch duy trì kết quả PCGD, XMC trong điều kiện không ít khó khăn của một tỉnh miền núi, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND từ tỉnh đến cơ sở, Lâm Đồng đã hoàn thành công tác PCGD và XMC. Hoạt động quản lý, điều hành của Ban chỉ đạo PCGD, XMC của tỉnh, huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng là những yếu tố rất cơ bản đem lại thành quả chung. Các ban, ngành chức năng, các lực lượng xã hội, đoàn thể đã phối hợp đồng bộ với các địa phương và ngành Giáo dục thực hiện công tác này. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc kết quả đã đạt được theo các tiêu chí cơ bản, nhằm tạo yếu tố bền vững về PCGD, XMC, ban chỉ đạo PCGD, XMC các cấp huyện, thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, có những giải pháp phù hợp để duy trì, tăng mức độ đạt chuẩn PCGD, những xã đã đạt chuẩn nhưng tỷ lệ còn ở mức thấp tiếp tục vươn lên theo chuẩn quy định. 

 

MINH ĐẠO

http://baolamdong.vn/xahoi/202203/lam-dong-duy-tri-va-dat-chuan-pho-cap-giao-duc-3107582/

 

Tin tức khác