Gieo chữ bên dòng Sêrêpốk

07.12.20231293 đã xem

   Tiếng đánh vần của các em học sinh tại điểm trường Tiểu khu 179 (Thôn 5, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông) bên dòng Sêrêpốk hiền hòa, cũng làm cho mọi người thấy vui, mà quên đi cái nắng gắt của miền rừng. Bởi con em người Mông giờ đây không phải chịu cảnh khát con chữ. Các em được đến lớp học đều đặn, như bao bạn bè cùng trang lứa ở những vùng, miền khác.

Cô giáo Đặng Thị Hà đang đứng lớp

   Ngược thời gian cách đây hơn 20 năm, nhiều bà con dân tộc Mông từ Lào Cai, Hà Giang rong ruổi nay đây mai đó khắp núi rừng Tây Nguyên để tìm kế mưu sinh. Những năm tháng đó, họ phải bươn chải, vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để tìm cái ăn, cái mặc đã khó. Còn đau lòng hơn, phải chứng kiến con em mình thất học suốt nhiều năm trời. Sau một thời gian dừng chân tại Tiểu khu 179, con em người Mông được tạo điều kiện đến lớp để học tập. Khi con trẻ được tiếp cận cái chữ, bà con người Mông nơi đây rất ấm lòng và yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Cạnh rẫy cà phê của gia đình mình đang vào vụ thu hoạch, ông Giàng Seo Phừ đã không giấu nổi niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt rám sạm bởi nắng và gió, kể cho chúng tôi nghe về việc học của con em người Mông nơi đây: “Đã làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình có cái chữ trong đầu để nó sau này ra xã hội đỡ tủi cái thân và cuộc đời cũng đỡ khổ hơn. Nhưng một thời gian dài, bà con mình nay đây, mai đó để kiếm sống, nên con em không được học hành. Nay được các thầy, cô giáo không quản ngại vất vả, vượt hàng chục km đường rừng vào đây dạy cho các cháu cái chữ. Mình cũng như bà con nơi đây rất vui và biết ơn thầy, cô nhiều lắm!”.

   Quả thật, có được điểm trường Tiểu học tại Tiểu khu 179 như bây giờ không phải là dễ. Ngay những ngày đầu, các ban, ngành huyện Đam Rông và bà con người Mông cùng nhau, huy động nhân lực, vật lực, dựng lên những phòng học tạm, xung quanh được che chắn bằng những tấm ván, trên lợp bằng tôn, giúp các cháu có chỗ học ổn định. Nhưng cái khó khăn hơn cả là việc điều động giáo viên về dạy học tại đây. Với quyết tâm cao, và sự nỗ lực của các cấp và ngành Giáo dục huyện; năm 2013, điểm trường Tiểu học 179, trực thuộc Trường Tiểu học Liêng S'rônh được thành lập. Từ đó, con em người Mông được tiếp cận con chữ và nỗ lực hơn trong học tập. Đến nay, điểm trường này có 110 học sinh, với 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, do 3 giáo viên đứng ra giảng dạy. “Từ trung tâm huyện Đam Rông vào đây trên 70 km. Chúng tôi phải đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông, vượt hàng chục km đường rừng mới vào được điểm trường. Mùa nắng còn đỡ, một tuần tôi thu xếp về nhà được một lần. Nhưng vào mùa mưa, thậm chí 2 tuần lễ mới về thăm nhà. Nhiều khi nhớ gia đình, người thân lắm, nhưng vì con chữ của các em học sinh nơi đây, chúng tôi cũng phải cố gắng vượt qua. Có nhiều hôm trên đường vào đây, trời mưa gió, đường khó đi, bị té lên té xuống, người bê bết bùn đất, nhưng vào đến lớp, thấy các em có mặt đông đủ, làm cho mình cũng thấy vui lòng”, cô giáo Đặng Thị Hà tâm sự.

Điểm trường 179

   Nhìn các em chăm chú nghe giảng và nghiêm túc làm bài tập, mọi người đều thấu hiểu được sự nỗ lực, tận tâm của thầy, cô giáo dành cho em học sinh nơi đây. Bà con người Mông ở Tiểu khu 179 rất kính trọng, xem thầy, cô giáo như những người thân thích của gia đình mình. Họ sẵn sàng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Điều đáng mừng nhất, bà con người Mông rất quan tâm đến việc học của con em mình, đã vận động các cháu đi học phải đúng giờ, đến lớp đông đủ, nghiêm túc học tập… Đó là món quà, là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với các giáo viên khi vào đây giảng dạy.

   Bên cạnh căn nhà công vụ đang xây cho giáo viên, ông Thái Viết Phúc - Chủ tịch UBND xã Liêng S'rônh cho biết: “Các thầy, cô vào đây dạy học rất vất vả về đường đi, lại xa gia đình. Khi vào đây phải ở phòng tạm, hoặc ở nhờ nhà dân, nên gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Xây dựng nhà công vụ cho giáo viên là rất thiết thực, nhằm tạo điều kiện để thầy, cô giáo có chỗ ăn ở sinh hoạt thuận lợi, yên tâm công tác”.

   Mặc dù việc dạy học tại Tiểu khu 179 vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự tận tâm của các thầy, cô giáo, nên việc học của con em người Mông nơi đây được duy trì, phát huy tốt. “Quả thật, thành lập được một điểm trường tiểu học tại Tiểu khu 179 là sự nỗ lực hết mình của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Chúng tôi đang bố trí nguồn vốn, ngoài việc để đầu tư xây dựng các công trình dân sinh như trạm y tế, nước sinh hoạt, hội trường thôn, thủy lợi, đường nội bộ… thì việc đầu tư xây dựng các phòng học của điểm trường là nhu cầu cấp bách và thiết thực. Chúng tôi phấn đấu đầu năm học 2024 - 2025, các cháu học sinh người Mông sẽ được học tập trong những lớp học kiên cố, khang trang; nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết.

   Sau 10 năm nỗ lực gieo chữ của các thế hệ thầy, cô giáo tại Tiểu khu 179, dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng bù lại đã đánh thức con chữ đến với bản Mông. Nhiều em học sinh nơi đây sau khi học xong bậc tiểu học, đã nỗ lực vượt khó ra trung tâm huyện Đam Rông theo học hết bậc học THCS, thậm chí là THPT. Điều mà bao người Mông tại tiểu khu này trước đây chưa bao giờ dám nghĩ tới. Con chữ đã thực sự đến với con em người Mông giữa rừng sâu, núi thẳm; bên dòng Sêrêpốk trầm mặc tuôn chảy, đồng vọng tiếng học bài của lũ trẻ suốt đêm ngày.

THẢO LINH – Báo Lâm Đồng

 

 

 

Tin tức khác