Âm thanh văn hoá Mạ ở một ngôi trường nhỏ

04.02.2024650 đã xem

   Suốt chiều dài lịch sử, sự hội tụ văn hóa các vùng miền cùng với bản địa đã tạo nên đời sống văn hóa phong phú, nhiều màu sắc ở tỉnh Lâm Đồng, mà trong đó Bảo Lâm là một ví dụ. Tuy nhiên trong sự giao thoa ấy, văn hoá tộc người Mạ ở đây đang có xu hướng mai một, và đang được thầy trò một ngôi trường nhỏ kiên trì bảo tồn.

Các học sinh trong Câu lạc bộ “Văn nghệ dân gian người Mạ” trong một buổi sinh hoạt có nghệ nhân trao truyền

   Đánh thức những giá trị văn hóa bị lãng quên

   Trong Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh lần thứ XVI do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào đầu tháng 1/2024, chúng tôi được gặp thầy trò Trường THCS và THPT Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm đoạt Giải Nhì với đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát huy kèn bầu của người Mạ tại xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng”.

   Theo cô giáo Đoàn Thị Thúy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lộc Bắc thì đây là một trong số rất ít đề tài dự thi về lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn hóa bản địa. Lâm Đồng với hơn 40 dân tộc anh em đến các tỉnh, thành trong cả nước cùng sinh sống; sự hội tụ văn hóa vùng miền cùng văn hóa của người bản địa đã tạo nên đời sống văn hóa phong phú, nhiều màu sắc. Trong đó có những giá trị văn hóa của người bản địa đang mai một, rất cần sự chung tay để bảo tồn và phát huy.

“Khi được tận mắt nhìn thấy những loại nhạc cụ người Mạ, được đắm mình trong không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, lắng nghe tiếng kèn bầu, đàn tre và đàn môi, chúng tôi càng hiểu vì sao cần phải giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc ở đây”, cô giáo Đoàn Thị Thúy Dương trải lòng khi kể cho chúng tôi về hành trình của thầy và trò Trường THCS và THPT Lộc Bắc đánh thức Văn hoá Mạ ở huyện Bảo Lâm.

   Đó là câu chuyện khi được gặp gỡ, trao đổi với một vài nghệ nhân được cho là “hiếm hoi” trong đồng bào dân tộc Mạ còn lưu giữ và sử dụng được nhạc cụ của dân tộc mình.

   Như ông K’Pía (thôn 4, xã Lộc Bắc), một người biết chế tác, sử dụng và lưu giữ nhạc cụ dân tộc Mạ giới thiệu về chiếc kèn bầu (Buốt, Woăt), sáo Bre mà ông tự tay làm. Chỉ một trái bầu khô, mấy ống tre nhỏ, sáp ong đất, những vật liệu hết sức bình dị, quen thuộc có thể tìm thấy trong các gia đình người Mạ nhưng khi được chế tác thành nhạc cụ thì đã trở thành một “vật thiêng”, bởi nó kết tinh văn hoá dân tộc. Và đặc biệt, khi ngồi nghe các nghệ nhân nói về các loại nhạc cụ, lắng nghe âm thanh của kèn bầu người Mạ, một thứ giai điệu vừa như quen thuộc lại vừa như xa lạ, kiêu sa; kéo con người về với đại ngàn, được trở về với bản thể khi còn sống hoà mình với thiên nhiên…

   Hay có lần thầy và trò ở đây được hòa mình trong cái không gian bập bùng bếp lửa hồng trong căn nhà sàn của ông K’Trời (ở thôn 3, xã Lộc Bảo); được ông vui vẻ bày ra tất cả những loại nhạc cụ dân tộc của mình đã dày công sưu tầm, lưu giữ. Nào là bộ chiêng 6 cái, đàn tre, kèn môi và cả chiếc kèn bầu đã bị hỏng nặng. Ông cười và nói: “Cái kèn này bị hư rồi, không thổi được, để trưng bày cho đỡ nhớ thôi”. Ông chỉ vào đàn tre và kèn môi, nói thêm: “Mấy cái này là mình tự làm. Còn kèn bầu thì không biết. Vì ngày xưa “ông già” chỉ nhưng không học”. Những lời bộc bạch của ông K’Trời khi ấy như niềm tự hào về đời sống văn hóa phong phú của dân tộc mình; nhưng cũng hàm chứa sự nuối tiếc về thời trẻ khi chưa thấy hết giá trị văn hóa dân tộc và cả nỗi niềm trăn trở bởi sự mai một của Văn hóa Mạ ở đây đang bị chính người Mạ lãng quên.

   Theo Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lộc Bắc, những người chắt chiu, gìn giữ và lưu truyền những giá trị truyền thống mà ông cha xưa để lại như các ông K’Pía, hay K’Trời chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các nhạc cụ dân tộc Mạ được lưu giữ và sử dụng hiện nay không còn nhiều. Bên cạnh cồng chiêng thì chỉ còn đàn tre, kèn bầu và đàn môi. Đàn đá và kèn T’diếp không còn được tìm thấy trong các gia đình người Mạ ở hai xã Lộc Bắc, Lộc Bảo.

   Như già làng K’Quế (ở thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo) cho biết, hiện nay trong các nhà người Mạ chủ yếu còn lưu giữ cồng chiêng, các loại khác dường như không có. Ở mỗi thôn, buôn, số người còn biết sử dụng và chế tác các nhạc cụ dân tộc rất ít. Hơn nữa, việc truyền dạy cũng hạn chế vì con cháu dường như không có hứng thú với việc học cách sử dụng hay chế tác nhạc cụ dân tộc. Cũng có người am hiểu, muốn truyền dạy nhưng thế hệ trẻ thì không muốn học…nên người biết về nhạc cụ dân tộc Mạ ngày càng ít đi.

Khơi dậy niềm tự hào và đam mê

   Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lộc Bắc cũng cho biết, qua khảo sát cho thấy hiện nay người Mạ ở đây không cư trú độc lập mà sống xen kẽ với các dân tộc khác. Sự giao thoa văn hoá đã khiến cho những nghi lễ liên quan đến vòng đời của người Mạ ngày càng mất dần.

Các học sinh trong Câu lạc bộ “Văn nghệ dân gian người Mạ” trong một buổi sinh hoạt có nghệ nhân trao truyền

   Mặt khác, với chính sách phát triển kinh tế, nương rẫy của người Mạ dần thu hẹp, thay vào đó là những vùng chuyên canh cây công nghiệp như chè, cà phê và cao su... Vì thế, những nghi thức liên quan đến vòng cây trồng cũng mất.

   Khi không gian biểu diễn nhạc cụ không còn, đồng nghĩa với các nhạc cụ dân tộc ngày càng ít được sử dụng và dần phai nhoà trong kí ức. Điều này càng khiến cho thế hệ những người Mạ trẻ ngày càng ít có cơ hội hiểu biết về văn hóa của cha ông họ. Trong một tương lai không xa nếu những giá trị văn hoá không được trao truyền chắc chắn việc mai một Văn hóa Mạ là điều không thể tránh khỏi.

   Với trách nhiệm của đơn vị giáo dục đóng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc Mạ sinh sống và những trăn trở của đội ngũ nhà giáo công tác ở đây, lãnh đạo Trường THCS và THPT Lộc Bắc đã gợi mở, định hướng để đội ngũ nhà giáo trong trường nghiên cứu, đăng ký triển khai các đề tài phù hợp.

   Cô giáo Trần Thị Lộc, giáo viên bộ môn Ngữ Văn Trường THCS và THPT Lộc Bắc chia sẻ: “Từ năm 2021, chúng tôi đã đăng ký và bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc Mạ tại xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng” với mong muốn bảo tồn những loại nhạc cụ dân tộc bản địa đang có nguy cơ mai một thông qua việc tìm hiểu, trao truyền cho các em học sinh ở địa phương. Đề tài này cũng đoạt Giải Nhì Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm học 2021-2022”.

   Theo cô giáo Trần Thị Lộc, nhằm ghi chép lại cách làm để lưu truyền cho các thế hệ sau, các giáo viên ở đây gặp gỡ, thuyết phục để những người biết chế tác và sử dụng nhạc cụ hướng dẫn cách làm đàn tre, kèn bầu... Năm 2021, nhóm nghên cứu đề tài đã thuyết phục được ông K’Trời hướng dẫn cho học sinh làm đàn tre và ghi lại cách làm loại nhạc cụ này. Sản phẩm khi hoàn thiện đã được đưa vào phòng Âm nhạc của trường để trưng bày và giới thiệu đến học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên Âm nhạc thực hiện kí âm các bản nhạc sử dụng để biểu diễn, nhờ thế mà việc trao truyền đến học sinh và nhân dân được thuận lợi hơn.

   Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lập fanpage “Âm sắc người Mạ” để kết nối cộng đồng dân tộc Mạ, giúp những người Mạ trẻ hiểu biết hơn về nhạc cụ dân tộc mình. Từ đó, kích thích niềm tự hào và giúp họ có ý thức bảo tồn các loại nhạc cụ đang nguy cơ mai một.

   Trong nhà trường cũng thành lập Câu lạc bộ “Văn nghệ dân gian người Mạ”, thu hút nhiều học sinh tham gia, không chỉ có người Mạ mà còn có cả thầy, cô giáo và các em học sinh người Kinh, người Tày… Khi được giáo viên động viên, khích lệ, các em rất tích cực và thể hiện niềm yêu thích đối với nhạc cụ dân tộc.

   Không dấu được niềm vui về những thành quả bước đầu đạt được trong triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu của mình, cô giáo Trần Thị Lộc kể rằng, em K’Thư, học sinh lớp 12A2 xúc động bày tỏ suy nghĩ của mình: “Được nghe các nghệ nhân biểu diễn, được học đánh cồng chiêng, đàn tre và kèn bầu, em cảm thấy yêu và tự hào về văn hoá của dân tộc mình, cảm thấy mình cần có trách nhiệm bảo tồn các nhạc cụ dân tộc đang dần mất đi”.

   Còn em em Đỗ Thị Thuý Kiều, học sinh lớp 12A2 thì chia sẻ, tuy không phải là người dân tộc Mạ nhưng em đã tiếp xúc với các bạn là người Mạ ở đây từ khi còn nhỏ. Em rất thích thú khi được tham gia những buổi học đánh cồng chiêng, giúp chúng em gắn kết hơn và hiểu biết thêm về văn hoá dân tộc Việt Nam.

   “Chúng tôi sẽ tiếp tục hành trình của mình để góp phần bảo tồn nhạc cụ và trao truyền, phát huy giá trị văn hóa dân tộc người Mạ cho các thế hệ học sinh ở địa phương”, cô giáo Trần Thị Lộc bày tỏ.

Đức Thiệm

 

Tin tức khác