Giữ gìn văn hóa truyền thống trong nhà trường.

08.05.2024608 đã xem

Mở lớp dạy chữ viết K’Ho, lớp truyền dạy cồng chiêng và khuyến khích học sinh, giáo viên mặc trang phục truyền thống của dân tộc đến trường là những cách làm mà Trường THCS Tân Thượng, huyện Di Linh đã thực hiện trong những năm gần đây, nhằm tạo sự đổi mới trong nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong môi trường học đường.

Việc quy định học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc đến trường đã được Trường THCS Tân Thượng thực hiện từ năm học 2022 - 2023

Cách trung tâm huyện Di Linh khoảng 13 km, Trường THCS Tân Thượng nằm tại địa phương có trên 87% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Toàn trường hiện có 390 học sinh, trong đó, học sinh các dân tộc K’Ho, Mạ, Tày, Nùng, Sán Dìu... chiếm hơn 90% số học sinh toàn trường. Do đó, bên cạnh công tác chuyên môn, thi đua dạy tốt - học tốt, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc K’Ho được Ban Giám hiệu nhà trường xác định là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Xuất phát từ thực trạng hầu hết học sinh người K’Ho đều có thể nói sành sỏi tiếng mẹ đẻ, nhưng không biết viết chữ của dân tộc mình, từ năm học 2022 - 2023, Trường THCS Tân Thượng đã phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã Tân Thượng mở lớp dạy chữ viết K’Ho cho 70 học viên là cán bộ đoàn xã, công chức cấp xã và học sinh nhà trường. Đồng thời mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho 40 học viên là học sinh của trường. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hoá Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn huyện Di Linh.

Thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thượng chia sẻ: “Việc mở lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng không phải là nội dung mới trên địa bàn huyện Di Linh, bởi nhiều nơi đã làm. Nhưng việc dạy chữ viết K’Ho cho học sinh là rất mới, chưa có trường nào thực hiện. Chính vì thế, nhiều thách thức đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu mở lớp. Đầu tiên là khó khăn trong việc tìm kiếm người dạy giỏi, tâm huyết. Tiếp theo là vận động học sinh, thuyết phục phụ huynh cho con em mình theo học lớp viết chữ K’Ho hàng tuần, song song với việc học văn hóa”.

Những buổi học đầu vắng nhiều học sinh không khiến thầy cô giáo nản lòng. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của nhà trường, những buổi ngoại khóa được lồng ghép nội dung tuyên truyền ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống, và cả tâm huyết của những người đứng lớp, dần dần, phụ huynh và học sinh Trường THCS Tân Thượng hiểu được ý nghĩa của việc tham gia lớp học. Học sinh bắt đầu hào hứng, tích cực học chữ viết K’Ho và tham gia nhiệt tình lớp học cồng chiêng của nhà trường với niềm say mê, hứng thú.

Kết quả, sau mỗi lớp học, các em học sinh đã đánh được những bài chiêng cơ bản. Câu lạc bộ cồng chiêng của Trường THCS Tân Thượng không chỉ tham gia biểu diễn trong các sự kiện của trường, mà còn tự tin, mạnh dạn biểu diễn trong các ngày lễ, hội ở thôn, xã. Trong khi đó, đa số học viên lớp học chữ viết K’Ho đã viết thành thạo chữ viết của dân tộc mình. Hơn hết, qua lớp học, mỗi học sinh đều trân quý hơn chữ viết K’Ho, để từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bên cạnh đó, Trường THCS Tân Thượng cũng phát động và quy định giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào ngày thứ Hai hàng tuần, cũng như các ngày lễ lớn của đất nước. Điều này đã dần trở thành nét đẹp riêng của thầy và trò ở ngôi trường vùng xa này. Mỗi buổi chào cờ đầu tuần hay những ngày lễ lớn, sân Trường THCS Tân Thượng rực rỡ hơn bởi sắc màu của những bộ trang phục các dân tộc K’Ho, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông... Mỗi học sinh, cán bộ, giáo viên đều trở thành “đại sứ” của dân tộc mình khi tự hào giới thiệu về bộ trang phục đang mặc lên người, cũng như hiểu biết hơn về văn hóa của các dân tộc khác.

Theo thầy Nguyễn Văn Dũng, việc mở lớp dạy chữ viết K’Ho, truyền dạy đánh cồng chiêng hay mặc trang phục dân tộc đến trường là việc làm có ý nghĩa và giá trị to lớn không chỉ đối với học sinh của nhà trường, mà còn đối với cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa to lớn của các dân tộc anh em đang cùng chung sống tại địa phương. Đây cũng là điển hình tiêu biểu của huyện Di Linh trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước năm 2023. “Chúng tôi mong rằng, thành công bước đầu của nhà trường sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều trường học trên địa bàn huyện Di Linh trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục đến các thế hệ sau để văn hóa truyền thống của các dân tộc mãi trường tồn theo thời gian” - thầy Dũng chia sẻ.

VIỆT QUỲNH

 

Tin tức khác