Thêm nhiều trường tiểu học "mới" tại Đà Lạt

02.11.20183234 đã xem
Đây là những trường tiểu học áp dụng chương trình trường học mới (VNEN) của Bộ Giáo dục trong dạy học. Từ một trường thí điểm ban đầu trong năm học trước, năm học này Đà Lạt đã triển khai chương trình này đến 5 trường tiểu học khác.

Đây là những trường tiểu học áp dụng chương trình trường học mới (VNEN) của Bộ Giáo dục trong dạy học. Từ một trường thí điểm ban đầu trong năm học trước, năm học này Đà Lạt đã triển khai chương trình này đến 5 trường tiểu học khác.

 

Những cái mới

 

Nằm trên địa bàn phường 7, Tiểu học Đa Thành năm học này có 21 lớp học (trong đó có 2 lớp ghép tại Măng Lin - thôn người dân tộc thiểu số của phường) với 824 học sinh, 37 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác. Đây là trường tiểu học đầu tiên được chọn để thử nghiệm mô hình này tại thành phố Đà Lạt trong năm học 2011 - 2012. 

 

Điểm thuận lợi khi chọn Tiểu học Đa Thành để triển khai chương trình trường học mới VNEN vì cơ sở vật chất, chất lượng dạy và học của trường khá tốt tại Đà Lạt. Năm 2012 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. “Chúng tôi rất vui và vinh dự khi được chọn là trường đầu tiên triển khai chương trình này ở Đà Lạt nhưng cũng không kém phần lo lắng không biết thực hiện có đạt như mong muốn không” - cô Lê Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng nhớ lại.

 

Hai khối được chọn để áp dụng VNEN tại trường là khối lớp 2 và khối lớp 3, mỗi khối 3 lớp. Đứng lớp là các giáo viên trẻ năng động, dạy tốt của trường. Tất cả đều được tập huấn kỹ về phương pháp dạy học mới trước khi nhận lớp. “Cũng có những bỡ ngỡ thật sự ban đầu, phải đến 1 - 2 tháng thì mới bắt nhịp được” - cô giáo Bùi Thị Kim Dung, một trong những giáo viên dạy tốt chương trình VNEN của trường nhớ lại. 

Mô hình trường tiểu học mới (VNEN - viết tắt từ tiếng Tây Ban Nha) do Bộ Giáo dục làm chủ đầu tư đang được triển khai thí điểm trên 63 tỉnh thành trong cả nước trong đó có Lâm Đồng.

 

VNEN hướng đến sự đổi mới, chuyển cách dạy học truyền thống chủ yếu truyền thụ một chiều sang dạy học tương tác hiện đại nhằm phát huy tính tự giác, óc sáng tạo của học sinh với tư cách là chủ thể của quá trình dạy học.

 

Phòng học VNEN được tổ chức khác với lớp học thông thường, bố trí lại bàn ghế để học sinh có thể ngồi học theo nhóm. Lớp học được trang trí lại thân thiện hơn, có góc học tập, góc thư viện, góc cộng đồng nhằm phục vụ cho các hoạt động dạy học  của cả thầy và trò.

Nhưng Ban giám hiệu và giáo viên lo lắng bao nhiêu về chương trình mới thì phụ huynh học sinh cũng lo lắng bấy nhiêu. Nhiều người phát hoảng khi thấy lớp học bày bàn ghế theo cách mới, cách học cũng mới nên đến Ban giám hiệu đề nghị chuyển con em mình sang lớp kiểu cũ. Được giải thích tận tình nhưng nhiều người cũng không an tâm, xin phép theo con vào lớp ngồi nghe thử cô giáo dạy gì, các em học tập ra sao... Phải mất một thời gian khá lâu các phụ huynh này mới được chinh phục bởi phương pháp mới.

“Chúng tôi vừa triển khai vừa tự học hỏi nhưng thật ra cũng chẳng biết học ở đâu vì tất cả các trường áp dụng chương trình này đều mới như nhau” - cô giáo Tuyết Oanh tươi cười giải thích. Phải vừa dạy vừa vận động phụ huynh chấp nhận.

Cái được nhất sau một năm áp dụng VNEN tại trường theo cô Oanh không chỉ là chất lượng học tập của học sinh được nâng lên mà chương trình này đã mang đến những điều mới, rất tích cực cho cả học sinh và giáo viên của trường. Năm học này, Tiểu học Đa Thành tiếp tục áp dụng VNEN tại 8 lớp cho cả 3 khối 2, 3 và 4. Với học sinh, khi chúng tôi cùng Ban giám hiệu vào thăm các lớp học áp dụng VNEN sau 1 năm hầu hết các em đều khá năng động, tự tin, ít rụt rè, mạnh dạn trả lời các câu hỏi đặt ra hoặc trình bày ý kiến cá nhân. Với giáo viên, theo Ban giám hiệu đánh giá, cũng năng động, tự tin hơn, linh hoạt hơn trong cách hướng dẫn học sinh thay vì áp dụng cách dạy cũ. Tất nhiên, theo cô Oanh cũng còn những khó khăn nhất định. Chẳng hạn tài liệu hướng dẫn học tập còn quá ít, chậm tiến độ nên gây trở ngại trong quá trình dạy và học theo chương trình.

Sẽ triển khai đại trà trong năm 2015 

Trong năm học 2013 - 2014 này, Phòng Giáo dục (GD) Đà Lạt đã triển khai chương trình VNEN đến thêm 5 trường tiểu học khác trên địa bàn gồm Lê Quí Đôn, Nam Hồ, Trại Mát, Đa Lợi và Cửu Long, tập trung cho hai khối 2 và 3, mỗi khối 3 lớp.

Theo ông Nguyễn Đức Vượng, chuyên viên phụ trách tiểu học Phòng GD Đà Lạt, việc mở rộng VNEN đến các trường học trên địa bàn trong năm học này tương đối thuận lợi vì thực ra chương trình này về cơ bản cũng không khác nhiều lắm với chương trình đang dạy hiện hành. Hay nói cách khác VNEN kế thừa hoàn toàn nhiều nội dung dạy học mà lâu nay ngành GD vẫn thực hiện, chỉ khác ở phương pháp làm sao cho học sinh tự học.

Để hỗ trợ cho giáo viên trong thực hiện chương trình mới, Phòng Giáo dục đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về phương pháp mới cho các trường học trên địa bàn. Nhiều giáo viên tiếp cận chương trình rất nhanh.

Khó khăn hiện nay là việc cung cấp tài liệu học tập theo chương trình VNEN cho học sinh còn chậm. Khi mở rộng, 5 trường được chọn trong năm học này không nằm trong dự án của Bộ GD nên không nhận được sự hỗ trợ nên các học sinh theo chương trình phải tự mua sách, trường khi triển khai chương trình cũng phải tự tổ chức lại điều kiện học tập cho học sinh của mình theo phương pháp mới.

Theo chỉ đạo của Phòng GD Đà Lạt, các trường nằm trong chương trình VNEN cần tuân thủ chặt chẽ sự hướng dẫn từ Dự án của Bộ và chỉ dẫn của Sở GD Lâm Đồng. Trong thời gian đến Đà Lạt sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp mới cho giáo viên ở tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố. Nếu không gì thay đổi, đến 2015, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn Đà Lạt sẽ cùng thực hiện chương trình VNEN.

Tin tức khác