Tiếng Việt cho trẻ mầm non và tiểu học dân tộc thiểu số

22.06.2022 09:46698 đã xem

Tiếng Việt vô cùng quan trọng đối với trẻ mầm non và tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Nếu không trang bị đầy đủ và đúng phương pháp khoa học thì không thể khai mở được các kiến thức cho trẻ trong học tập. 

 

Học sinh Trường Tiểu học Liên Đầm, Di Linh làm bài kiểm tra học kỳ II, năm học 2021-2022

 • LỢI ÍCH KÉP 

      “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ là Đề án đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành. Để triển khai giai đoạn 2, tháng 2/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và thực hiện. Mục tiêu là phát triển năng lực ngôn ngữ cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS. Khi tiếng Việt - phương tiện được trang bị đạt yêu cầu tất yếu góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non DTTS đến trường tiểu học; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS. Bên cạnh đó còn góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào các DTTS. 

      Để các mục tiêu nêu trên thực sự đạt hiệu quả, cần nhiều điều kiện. Bao gồm việc bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai và bảo đảm hiệu quả tại địa phương. Ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết của địa phương đối với trẻ em mầm non, học sinh tiểu học DTTS và đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy trẻ em DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Cùng với việc đầu tư từ Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, học liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Đồng thời, bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non dạy trẻ em DTTS; hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em DTTS học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác để có thể áp dụng giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. 

 • GIÁO VIÊN CẦN TRANG BỊ TỐT VỐN TIẾNG VÀ VĂN HÓA 

      Tại tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án của Bộ GDĐT, ngày 22/4/2022, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi, dự thảo đã nhận được đồng ý từ nhiều sở, ngành và địa phương liên quan. Ông Trần Đức Lợi cho biết: Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch, căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của UBND các huyện, thành phố, Sở sẽ bổ sung theo phân cấp để thực hiện theo lộ trình. Với nội dung bổ sung chỉ tiêu 70-80% giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học được bồi dưỡng tiếng DTTS, kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án chủ yếu tập trung các nội dung như: Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, dạy học theo tài liệu tăng cường tiếng Việt của Bộ GDĐT theo từng khối lớp trong hè và trong năm học, vận động trẻ ra lớp và duy trì sĩ số, đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS qua các hoạt động giáo dục... Do đó việc bồi dưỡng giáo viên có chứng chỉ tiếng DTTS không đưa vào chỉ tiêu trong kế hoạch.

      Cũng trong tháng 4/2022, Sở GDĐT và Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành kế hoạch phối hợp từ nay đến hết năm 2022. Trong đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được cụ thể hóa việc thực hiện các tiểu dự án 2 của dự án 4, tiểu dự án 2 của dự án 5... Thực tế cho thấy, khi tiếng Việt của trẻ mầm non và tiểu học được trang bị đầy đủ, có chất lượng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường và đem lại nhiều ý nghĩa xã hội khác như tạo nhận thức trong cộng đồng và cha mẹ của trẻ. 

     Để tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ hiệu quả, điều kiện cần và đủ là đội ngũ giáo viên phải được trang bị về văn hóa và tiếng DTTS của trẻ. Mặt khác, không chỉ từ trường học, mà rất cần đến môi trường giao tiếp ngoài nhà trường. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên, Hội Phụ nữ... là cầu nối quan trọng để xây dựng, phát triển tiếng Việt trên cơ sở lồng ghép/giao thoa, tiếp biến.Việc trang bị tiếng Việt cho trẻ DTTS phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với lứa tuổi. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Diễm - Phó Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT), tình trạng cho trẻ mầm non lĩnh hội tiếng Việt ở một số cơ sở giao dục, nhất là ngoài công lập đang lạm dụng. Thay vì cho trẻ làm quen với các con chữ thì giáo viên đã dạy chữ. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục mầm non.

 

MINH ĐẠO

http://baolamdong.vn/xahoi/202206/tieng-viet-cho-tre-mam-non-va-tieu-hoc-dan-toc-thieu-so-3121917/

Tin tức khác