Sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục

18.07.2022 09:21788 đã xem

Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là nội dung của Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương khóa XII. Với ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) tỉnh Lâm Đồng, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết đã thấy rõ những hiệu quả song cũng còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. 

 

Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Lạc Dương) có cơ sở vật chất khang trang với 100% phòng học kiên cố.

      Mục tiêu của Nghị quyết 19 là đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống, tinh gọn, cơ cấu hợp lý, phát huy năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Cùng với đó, nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

      Đối với ngành GDĐT Lâm Đồng, chỉ tiêu từ 2015-2020 là giảm tối thiểu 10% đơn vị giáo dục công lập. Đến nay, từ 70 đơn vị trực thuộc Sở GDĐT đã giảm còn 59 đơn vị, đạt tỷ lệ 15,71%. Số người làm việc từ 3.946 người đã giảm 391 người, tỷ lệ 9,91%. Qua đó, đã giảm được nguồn kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Song song với tinh giản, thực hiện xã hội hóa bằng chuyển đổi mô hình từ công lập được cấp kinh phí nhà nước sang công lập tự chủ tài chính từng phần. Sở GDĐT đã chỉ đạo thí điểm tại 4 đơn vị: Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và 3 trường THPT (Bùi Thị Xuân, Đức Trọng, Nguyễn Du). Kết quả tự  chủ tài chính như sau: Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 2 trường Bùi Thị Xuân và Đức Trọng đạt 3%/ngân sách nhà nước cấp; Trường THPT Nguyễn Du đạt 5%/ngân sách nhà nước cấp. Tuy nhiên, theo Sở GDĐT, nhu cầu thực tế nguồn chi hằng năm của 4 đơn vị này cần chi từ 6,4 tỷ đồng đến 14,5 tỷ đồng nhưng mức thu từ học phí hằng năm chỉ được từ 500 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Vì vậy, chưa thể tự chủ tài chính 100% như kế hoạch dự kiến. 

      Với các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND cấp huyện, tổng số trường là 589 (năm 2015) đã giảm được 31 trường/58 trường theo kế hoạch đến năm 2020, tiếp tục giảm 48 trường từ nay đến năm 2025; số biên chế từ 18.295 (năm 2015), đã giảm 1.687/1.737 người so với kế hoạch, từ nay đến năm 2025 dự kiến tiếp tục giảm 397 người. 

      Thực tiễn cho thấy, sau khi thực hiện Nghị quyết 19 về sắp xếp, tổ chức lại gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành các trường phổ thông nhiều cấp học đối với cơ sở giáo dục công lập đã góp phần giảm đầu mối quản lý, giảm số lượng người làm việc, giảm kinh phí, thuận lợi cho học sinh tới trường học tập. Cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học. Đội ngũ giáo viên được bố trí lại, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học; có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, có tâm huyết, trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên thực hiện chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính còn gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo Sở GDĐT và một số phòng GDĐT cho rằng, trong lúc trường lớp tương đối ổn định, nhu cầu học tập ngày tăng, việc tiếp tục thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 trong giai đoạn 2021-2030 sẽ gặp nhiều khó khăn đối với đơn vị. 

      Để Nghị quyết 19 đi vào đời sống hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận, đến nâng chất lượng dạy và học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học song song phát triển đội ngũ và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Nguyên giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Xuân Ngọc cho rằng, tỉnh và các địa phương cần dành quỹ đất để kêu gọi xây dựng các trường tư thục chất lượng cao, trường phổ thông nhiều cấp học. “Không nên chuyển các trường công lập ra trường tư thục vì sẽ gây nên nhiều hệ lụy, khó khăn cho giáo viên và học sinh. Cần xem xét và thận trọng thực hiện giảm 10% đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập và giảm 10% biên chế giáo viên công lập. Cùng với đó là giao quyền tự chủ một phần tài chính cho các trường THPT ở vùng kinh tế - xã hội thuận lợi, để giảm một phần ngân sách nhà nước”, ông Ngọc nêu ý kiến. 

      Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp chỉ đạo: Đối với Sở GDĐT, khẩn trương hoàn thiện Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tính khả thi, có chất lượng, bảo đảm quyền lợi của người học, phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương. Đối với UBND các huyện, thành phố, khẩn trương phê duyệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quản lý, bảo đảm đạt chỉ tiêu đề ra và theo đúng quy định. 

 

MINH ĐẠO

http://baolamdong.vn/xahoi/202207/sap-xep-to-chuc-lai-gan-voi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-3125807/

Tin tức khác