Nỗ lực vươn lên ở Trường Tiểu học Chu Văn An

21.12.2021 07:26876 đã xem

     Trường Tiểu học Chu Văn An, huyện Đam Rông ở địa bàn giáo dục khoảng 60% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên, nhưng hiệu quả, chất lượng giáo dục nhiều năm liền duy trì và phát triển. Ba năm học (2017-2020), trường là Tập thể Lao động tiên tiến; năm học 2020-2021 đạt Tập thể Lao động xuất sắc.

 

Ngày hội đọc sách và Văn hóa đọc của Trường Tiểu học Chu Văn An diễn ra ngày 17/12/2021

 • GIÁO DỤC VÙNG KHÓ CẦN HUY ĐỘNG TỔNG LỰC

      Nhắc đến giáo dục xã Phi Liêng, tôi không quên sự kiện buồn hơn 20 năm, khi xã chưa có trường THCS, chỉ là điểm trường Trường THCS Võ Thị Sáu, đóng tận ngoài xã Đạ Đờn. Trường Tiểu học Chu Văn An được thành lập năm 2000 và đến bây giờ, xã Phi Liêng của huyện Đam Rông không chỉ có 2 trường tiểu học mà có trường THCS riêng. Trường Tiểu học Chu Văn An cách trung tâm huyện 20 km, dân cư có 9 dân tộc, trong đó DTTS chiếm đa số. Đặc biệt, trong số 527 học sinh/19 lớp hiện còn 10% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo. 

      Trường Tiểu học Chu Văn An mấy năm nay khang trang hơn tại cả 3 điểm trường với nhiều phòng học kiên cố, sân, hàng rào, hệ thống nhà vệ sinh, nước sạch, bàn ghế, đồ dùng dạy học tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tại 2 điểm trường học sinh DTTS chiếm 100%, đa số đời sống Nhân dân rất khó khăn; nhiều hộ là DTTS các tỉnh phía Bắc di cư tự do. Còn 2 điểm trường Dơng Glê, Păng Sim không có internet, chưa có thư viện, đường vào rất xa nên nhiều trở ngại đối với học sinh và giáo viên. Điểm trường Dơng Glê, học sinh dân tộc H’Mông, chưa được học môn Tin học vì không có phòng máy tính... Đây là những hạn chế về điều kiện chăm lo sự học của học sinh nên chất lượng giáo dục còn thấp... 

      Trăn trở của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đam Rông và Trường Tiểu học Chu Văn An là, tuy trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 nhưng cơ sở vật chất còn thiếu nhiều như nhà đa năng, nhà hiệu bộ, bãi tập riêng, các phòng học chức năng. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 trường đạt chuẩn quốc gia tại xã Phi Liêng, xã Đạ K’Nàng và mới điều chỉnh đầu tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư 24.736 triệu đồng. Riêng Trường Tiểu học Chu Văn An xây dựng khối 6 phòng học, khu hành chính quản trị, nhà 3 tầng, diện tích xây dựng tầng trệt 414 m2, diện tích sàn 828 m2. Bổ sung thiết bị phòng cháy, chữa cháy; bể nước phòng cháy, chữa cháy. 

 • TẬP THỂ LAO ĐỘNG XUẤT SẮC

      Niềm vui của nhà nông sau vụ mùa là hoa thơm, trái ngọt; niềm vui của đội ngũ “trồng người” Trường Tiểu học Chu Văn An là sự ghi nhận của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm học 2020-2021. Kết quả là sự quan tâm giúp đỡ của ngành giáo dục và huyện, xã; đồng thời nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn, tích lũy bằng hành trình yêu nghề mến trẻ của cán bộ, giáo viên, nhân viên (CN, GV, NV) nhà trường. 

      Ấn tượng và niềm vui nhất là nhiều năm nay, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp cùng duy trì sĩ số học sinh của Trường Tiểu học Chu Văn An luôn đạt tỷ lệ 100%. Cũng nhiều năm học liền, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng giữ vững từ 98-99%. Số học sinh được khen thưởng chiếm tỷ lệ 45%, năm học sau tăng hơn năm học trước... Không tính hàng chục giải các cuộc thi cấp trường hàng năm, ở cấp huyện, trường có nhiều học sinh đoạt giải về thi Kể chuyện theo sách, thi Viết chữ đẹp. Hơn thế, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An còn đoạt giải cấp tỉnh về thi Tin học trẻ... Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và Liên đội nhiều năm đạt các danh hiệu như Chi bộ vững mạnh, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, Liên đội mạnh cấp huyện, Đoàn Thanh niên xuất sắc cấp huyện...

      Chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục của nhà trường, Hiệu trưởng Thiều Thị Thu cho chúng tôi biết: Trước hết, dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực và nghiêm chỉnh thực hiện tổ chức dạy học đúng, đủ chương trình quy định; đặc biệt, 100% học sinh khối 3, 4, 5 phải được học Tin học 2 tiết/tuần và Anh văn 4 tiết/tuần. Một trong những giải pháp quan trọng để huy động và duy trì sĩ số học sinh, ngoài tâm huyết, phương pháp giúp học sinh lĩnh hội nhiều kiến thức và ngày thêm tiến bộ, đó còn là tạo hứng thú, khơi niềm vui, bồi dưỡng sự tự tin, tự chủ về năng lực ở học sinh thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa như bảo vệ môi trường, tổ chức văn nghệ, thể thao, văn hóa đọc sách, văn hóa ẩm thực, sáng tạo nghệ thuật, giao lưu tiếng Anh...

      Dĩ nhiên phải là nỗ lực của đội ngũ CB, GV, NV mang tính quyết định. Được biết, phong trào thi đua nhiều năm nay Trường Tiểu học Chu Văn An duy trì đều đặn và hiệu quả. Ví dụ 3 năm học gần đây, 2018-2019, 2019-2020 và 2020-2021, trường có từ 17-18 giáo viên giỏi cấp trường, 3-4 giáo viên giỏi cơ sở; 60-70% CB, GV, NV đạt Lao động tiên tiến và 3 Chiến sĩ thi đua cơ sở; 100% giáo viên xếp loại chuẩn nghề nghiệp từ khá đến xuất sắc; 100% viên chức đạt khá, trong đó 12-18% xuất sắc. Hàng năm, trường có 17, 18 sáng kiến kinh nghiệm - giải pháp hữu ích cấp trường, trong đó 3-5 đạt cấp huyện... Vâng, trường học là địa chỉ giáo dục tin cậy nhất để phụ huynh gửi gắm con em; tình yêu thương trẻ của người thầy là sức hút học sinh lớn nhất, điều này càng rất đúng với những vùng sâu, xa và đông đồng bào DTTS. 

 

MINH ĐẠO

Theo Báo Lâm Đồng. http://baolamdong.vn/xahoi/202112/no-luc-vuon-len-o-truong-tieu-hoc-chu-van-an-3095067/

Tin tức khác