Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm Ngày Giải phóng Đà Lạt, Lâm Đồng
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 mở rộng (tháng 7/1954) xác định “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của Nhân dân Đông Dương”. Trước tình thế mới, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào đấu tranh, đồng thời thực hiện việc chuyển quân, đưa hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền Nam ra Bắc học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cũng như chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh; lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ. Đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennơđi chính thức thông qua chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, thực chất là “dùng người Việt đánh người Việt” với công thức: lực lượng ngụy Sài Gòn cộng vũ khí, trang bị và cố vấn Mỹ. Mỹ dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu người dân miền Nam vào các trại tập trung, “Ấp chiến lược”, tách lực lượng cách mạng ra khỏi Nhân dân. Để đối phó với chiến lược mới của địch, ngày 31/01/1961, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị “về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”. Ngày 15/02/1961, các tổ chức vũ trang miền Nam đã thống nhất thành “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, các phong trào thi đua sôi nổi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” ở khắp các địa phương, các cấp, các ngành đã đưa cách mạng miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc, không ngừng tăng cường chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, kết hợp ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trước những thắng lợi vang dội của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước sự thất bại hoàn toàn, đế quốc Mỹ phải ồ ạt đưa quân đội viễn chinh vào miền Nam Việt Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 20/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi cả nước, Người khẳng định quyết tâm của Nhân dân ta “dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Ngày 17/7/1966, trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Người khẳng định “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, mở ra cục diện mới vừa đánh vừa đàm. Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nắm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá đất liền, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh nghiên cứu thời cơ để giành lại chủ quyền các đảo, quần đảo do quân đội ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở biển Đông, đây là phần lãnh thổ rất quan trọng, có vị trí chiến lược về quân sự và kinh tế không thể tách rời của Tổ quốc. Ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975. Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng Nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
Trong khí thế đó, Mùa xuân năm 1975, được sự chi viện của các đơn vị chủ lực, quân và dân Lâm Đồng đã nhanh chóng chớp thời cơ tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã B’Lao (Bảo Lộc) và Di Linh ngày 28 tháng 3; giải phóng Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà ngày 02/4/1975; khoảng 3 giờ sáng ngày 03/4/1975, các lực lượng vũ trang tiến đến khu vực ngã ba Phi Nôm và chia làm hai mũi: Tiểu đoàn 840 tiến theo đường 21 về thị trấn D’Ran, nhưng bọn địch ở đây đã bỏ chạy, đơn vị nhanh chóng tiếp quản chi khu, quận lỵ và thành lập Ủy ban quân quản huyện Đơn Dương. Tiểu đoàn 186 theo đường 20 lên Đà Lạt. Đến 8 giờ sáng ngày 03/4, đơn vị đã đến ngã tư cây xăng Kim Cúc, cửa ngõ nội ô Đà Lạt thì gặp một số cán bộ cơ sở của ta. Ngay sau đó, một phân đội của tiểu đoàn cùng với số cán bộ, cơ sở Đà Lạt tiến vào chiếm lĩnh toà hành chính tỉnh của ngụy quyền. 8 giờ 20 phút ngày 03/4/1975, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của nguỵ quyền tỉnh, thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức được giải phóng. Trong một thời gian ngắn sau ngày giải phóng, về mặt tổ chức hành chính của hai tỉnh Lâm Đồng (cũ) và Tuyên Đức có nhiều lần thay đổi. Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc bỏ khu, hợp tỉnh; các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy được nhập lại thành tỉnh Thuận Lâm, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Phan Rang. Ngày 6/1/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về việc giải thể tỉnh Thuận Lâm và hợp nhất các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức, thành phố Đà Lạt thành tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 03/4/1975, mãi mãi được quân và dân Đà Lạt - Lâm Đồng ghi nhớ, đây là chiến thắng của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân Lâm Đồng; chiến thắng ấy làm sâu sắc thêm một số bài học kinh nghiệm, đó là: Thứ nhất, nắm vững, vận dụng và thực hiện đường lối, phương châm, phương pháp cách mạng của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương. Thứ hai, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, gắn với xây dựng vùng căn cứ cách mạng vững mạnh. Thứ ba, về vận dụng phương châm, phương thức công tác đô thị, vận dụng phù hợp với tình hình địa phương. Thứ tư, xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. . Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đảng bộ tỉnh còn chú trọng công tác phát triển đảng viên nhằm tăng cường sức chiến đấu và sự lãnh đạo của Đảng, làm tốt công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, coi trọng công tác giáo dục chính trị tưởng, thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng nhằm nâng cao ý thức giác ngộ cách mạng, lập trường tư tưởng tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để thực hiện sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.
Chi bộ GDMN-GDPT