Hà cớ gì mà Việt Nam phải e dè?

06.02.2023 14:00858 đã xem

         

Bài thi đạt giải tại Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ 2 năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, do Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức

Loại hình: Báo in

Nguyễn Thị Trúc Phương (ngoài cùng bên trái)

     Cổ nhân vẫn thường dạy “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, ngụ ý rằng người cũng có năm bảy loại, không phải ai cũng sợ ma mà đem ra hù dọa. Ấy vậy mà, thật nực cười khi các thế lực thù địch, phản động lại đem cái thây ma Việt Nam Cộng hòa để xuyên tạc, thử thách bản lĩnh Việt Nam chúng ta. Chúng đặt câu hỏi mà có lẽ không bao giờ có câu trả lời xác đáng “Vì lý do gì khiến chính quyền Việt Nam e dè các biểu tượng cũ thuộc Việt Nam Cộng hòa đến vậy?”. Thậm chí, nhiều kẻ còn hoang tưởng khi cho rằng cờ vàng ba sọc là chính nghĩa soi đường chỉ lối, dẫn dắt chúng qua u mê!

     Thật là nực cười! Lý do gì mà Việt Nam phải e dè những thứ rác rưởi, đáng bị lãng quên đó? Ngay cả đến bọn quan thầy thực dân đế quốc và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa khi ở đỉnh cao tột cùng của mình, với sự hậu thuẫn tối đa, sự hà hơi tiếp sức của quan thầy cùng sức mạnh được đánh giá hàng đầu Đông Nam Á lúc bấy giờ với tiềm lực quân sự khổng lồ, quân số trên 1 triệu, vũ khí trang bị hiện đại tối tân, với sự cố vấn, đạo diễn, chỉ đạo, huấn luyện, thậm chí tham chiến của quan thầy Mỹ và các nước chư hầu thì quân đội Việt Nam Dân chủ cộng hòa và quân giải phóng Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam còn chẳng ngán, vẫn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như thường. Thế thì, hà cớ gì, bây giờ Việt Nam Cộng hòa chỉ là cái thây ma, đã bị khai tử 47 năm trước, cùng đám tàn quân lọm khọm, bát nháo, sắp sửa rủ nhau về với ông bà ông vải; với vài ba lão già thân tàn ma dại, nói không ra hơi, bước đi không vững thì còn làm gì được ai mà Việt Nam phải e dè? Bọn chúng chỉ mượn lá cờ 3 que để diễn những vở “hài kịch” hòng mua vui kiếm tiền. Những kẻ đi “bắt đền lịch sử” lại thích làm mình làm mẩy hô hào khẩu hiệu nổ như bom: “Lấy lại đất tổ, không làm khổ dân” thì để sống qua ngày cũng đã khó chứ đừng mơ tưởng đến việc hù dọa Việt Nam, khiến Việt Nam phải e dè! Hành động chống đối Việt Nam của chúng chẳng khác nào “lấy trứng chọi đá”, “đá ném ao bèo” thì làm sao mà khiến Việt Nam chúng ta phải e dè!

 

     Các biểu tượng cũ của Việt Nam Cộng hòa còn lại gì, ngoài mớ giẻ rách 3 sọc vàng, ngoài bộ quần áo rằn ri đầy ác cảm? Đó là những thứ xấu hổ, nhục nhã đáng quên vì nó chẳng đọng lại gì ngoài gợi lên trong ta hình ảnh của những kẻ bán nước, táng tận lương tâm “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”. Ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa chẳng có thứ gì đáng giá, đáng “đồng tiền bát gạo” khiến chúng ta phải nhớ tới ngoại trừ việc tàn sát, giết hại đồng bào mình, dâng đất nước, quê hương cho bầy lang sói ngoại xâm? Chúng chẳng làm nên trò trống gì ngoại trừ chỉ biết xua quân đi bắt bớ, chém giết đồng bào mình trong những trò chơi bạo lực mà bọn quan thầy cướp nước đã vẽ ra như “bình định”, “tát nước bắt cá”, “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “gom dân lập ấp chiến lược”, dùng dân để làm lá chắn chống lại các chiến dịch tiến công của quân giải phóng. Biểu tượng cờ vàng 3 sọc của ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ gợi nhớ về một thời đất nước chia cắt, Bắc – Nam cách biệt dưới gót dày xâm lược của ngoại bang. Các biểu tượng đó làm sống lại những ký ức kinh hoàng của một thời lê máy chém khắp miền Nam của Ngô Đình Diệm, của hành động qụy lụy, van xin quan thầy rủ lòng thương của Nguyễn Văn Thiệu: “Trong giờ phút vô cùng khẩn thiết, chúng tôi mong muốn Tổng thống thúc giục Quốc hội xem xét dễ dàng, cấp bách cho lời yêu cầu của tôi là được vay “số tiền vì tự do”. Đây sẽ là hành động cầu xin cuối cùng của tôi, 1 người bạn đồng minh, gởi đến Tổng thống và toàn thể nhân dân Hoa Kỳ” (trích thư Nguyễn Văn Thiệu gửi cho Tổng thống Ford xin viện trợ, ngày 16 tháng 4 năm 1975). Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam phát trên VTV1 chương trình “Chiến tranh Việt Nam - cái nhìn sau 30 năm” ghi lại phát biểu của một số người Mỹ gốc Việt, trong đó có Vũ Văn Lộc - cựu Đại tá quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vũ Văn Lộc cho rằng: “Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân lực Việt Nam Cộng hòa vẫn còn toàn bộ vũ khí, trang bị vẫn đầy đủ nhưng bỏ súng không chiến đấu là vì tinh thần. Trong 10 năm cuối cùng của chiến tranh, chính phủ và quân đội, nhân dân (Việt Nam Cộng hòa – ý tác giả) đều sống trong sự tùy thuộc vào Mỹ về vật chất và tinh thần. Khi họ bỏ là tinh thần không còn”. Năm 1994, trả lời phóng viên về phản ứng của Mỹ khi được hỏi rằng một số người Việt chống cộng tại Mỹ phản đối việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, cựu Tổng thống Bill Clinton đã thẳng thắn cho rằng “Họ đã bỏ chạy khỏi quê hương của họ vì sự hèn nhát. Giờ đây, họ lại muốn trả thù kẻ chiến thắng bằng cách hy sinh lợi ích của Mỹ? Có vẻ họ không tự nhận thức được thân phận của họ”. Xin được trích dẫn những số liệu sau đây để thấy rằng nền kinh tế, bộ mặt xã hội của Việt Nam Cộng hòa trước đây được tạo ra do sự tự lực cánh sinh, bằng thực lực của mình hay do quan thầy Mỹ và đồng minh viện trợ. Trong vòng 20 năm, từ 1954 đến trước 29 tháng 4 năm 1975, tổng viện trợ mà Việt Nam Cộng hòa nhận được từ Mỹ và đồng minh để phát triển kinh tế là trên 26 tỷ đô la (thời giá 1960) tương đương 140 tỷ đô la theo thời giá 2015, gồm: Gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế - 4 triệu USD, đổi mới hệ thống viễn thông – 6,8 triệu USD, phát triển đội tàu hỏa – 19,4 triệu USD, mở rộng hệ thống dẫn nước từ sông Đồng Nai về Sài Gòn – 17,5 triệu USD, xây dựng nhà máy nhiệt điện Thủ Đức – 12,7 triệu USD, hỗ trợ chương trình người cày có ruộng – 5 triệu USD, 1,6 tỉ viện trợ nông phẩm cùng hàng trăm tỷ USD viện trợ quân sự và chi phí chiến tranh như 2.750 máy bay các loại, hơn 1 triệu súng bộ binh, 46.000 xe tăng, xe thiết giáp và xe vận tải, tổng cộng trên dưới 1.200 tỷ USD, gấp mấy lần chi phí đã bỏ ra trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai. Hậu quả là, để bình thường hóa quan hệ ngoại giao cũng như thương mại trên trường quốc tế, năm 1991, Việt Nam đã phải trả khoản nợ cho chính quyền ngụy Việt Nam Cộng hòa lên tới hàng trăm tỉ USD đã vay của IMF, WorldBank và các quốc gia chủ nợ khác trong Câu lạc bộ Paris (The First Donor Conference). Các tệ nạn được sinh ra từ xã hội thối nát của chế độ Việt Nam Cộng hòa mà tàn tích của nó còn mãi tới tận ngày nay, đó là nạn cờ bạc, mại dâm, xì ke, ma túy, cướp giật. Chỉ là “thùng rỗng kêu to” thì thử hỏi, ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa có được những gì mà khiến chúng ta phải e dè?

     Trước đây hay ngày nay, các biểu tượng đó chưa bao giờ đại diện cho ý chí, nguyện vọng hay niềm tự hào của Việt Nam. Từ sau năm 1975, thế giới chỉ biết tới Việt Nam với biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Lá cờ đó đã được 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, các vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế công nhận. Chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Vậy thì hà cớ gì Việt Nam phải e dè trước các biểu tượng cũ của ngụy quyền? Không! Việt Nam không e dè! Việt Nam chỉ không muốn nhắc lại một chặng đường đau buồn trong lịch sử, Việt Nam không muốn những người thuộc chế độ cũ đã ăn năn hối cải cảm thấy xấu hổ vì quá khứ lầm đường lạc lối của mình. Việt Nam không e dè bởi vì những thứ rác rưởi đó không đáng để chúng ta bận tâm. Chúng ta còn nhiều điều lớn lao, vĩ đại đáng quan tâm hơn, đó là các mục tiêu: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Việt Nam là một dân tộc rất nhân đạo, nhân văn với truyền thống “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, vì vậy, chúng ta không nuôi hận thù, cho dù đó là những kẻ đã gây cho chúng ta những mất mát đau thương tưởng chừng không gì có thể bù đắp được. Điều đó được thể hiện rõ trong Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật”. Quán triệt sâu sắc quan điểm đó, từ năm 2004 đến nay, chúng ta đã tạo điều kiện cho hàng triệu kiều bào về quê thăm thân, đầu tư phát triển kinh tế, đồng thời, chúng ta cũng đã tổ chức gặp mặt kiều bào ta ở nước ngoài mỗi dịp tết đến xuân về.

     Như vậy, cố tình dựng chuyện, cho rằng Việt Nam e dè trước các biểu tượng cũ của Việt Nam Cộng hòa chỉ là cách đánh bóng tên tuổi, cách nói cường điệu hóa của các thế lực phản động, thù địch. Bọn chúng chưa bao giờ chấp nhận thực tế phũ phàng mà luôn luôn tự động viên, an ủi mình bằng những suy nghĩ viễn vông, hão huyền, đúng như Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã cay đắng thừa nhận: “Việt cộng gọi chúng tôi là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ. Nhưng rồi chính nhân dân Mỹ cũng gọi chúng tôi là những con bù nhìn của người Mỹ, chứ không phải là lãnh tụ chân chính của nhân dân Việt Nam”.

Nguyễn Thị Trúc Phương, Giáo viên Trường Mẫu giáo Vành Khuyên , Xã Lạc Xuân, Đơn Dương, Lâm Đồng

 

Tin tức khác