Đổi mới phương pháp dạy học Toán tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển năng lực học sinh tiểu học

13.11.2019 11:21182712 đã xem

           Chương trình tổng thể Ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 nêu rõ “Giáo dục toán học hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học với các thành tố cốt lõi: năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình học toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học, năng lực sử dụng các công cụ và phương tiện học toán; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn, giáo dục toán học tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn’’.

             Về phương pháp dạy học Toán: Thực hiện dạy học phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh (đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó); Quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân học sinh; Tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạ o, trong đó học sinh được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề; Linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học truyền thống; Kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn.

             Về đánh giá kết quả giáo dục môn Toán: Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của học sinh trên cơ sở yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp học để điều chỉnh các hoạt động dạy học, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục môn Toán nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp với đánh giá của giáo viên các môn học khác, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp hoặc đánh giá của cha mẹ học sinh, đi liền với tiến trình hoạt động học tập của học sinh, bảo đảm mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập của học sinh. Việc đánh giá định kì là đánh giá kết quả giáo dục sau một giai đoạn học tập. Kết quả đánh giá định kì được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích cho người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khuyến khích vận dụng kết hợp nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn,...); đồng thời hướng dẫn giáo viên lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp với từng thành phần năng lực toán học.

             Sử dụng đủ và hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định đối với môn Toán. Coi trọng việc sử dụng các phương tiện truyền thống, tăng cường thiết bị dạy học tự làm đồng thời khuyến khích sử dụng các phương tiện nghe nhìn, phương tiện kĩ thuật hiện đại hỗ trợ quá trình dạy học. Khi có điều kiện, giáo viên nên hướng dẫn học sinh cách tìm kiếm thông tin, tư liệu trên Internet hoặc chương trình truyền hình có uy tín về giáo dục để mở rộng vốn hiểu biết và năng lực tự học.

           I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

           Toán học ngày càng có nhiều ứng dụng trong cuộc sống, những kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản đã giúp con người giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống một cách có hệ thống và chính xác, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Môn Toán ở trường phổ thông góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học cho học sinh; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, vận dụng toán học vào thực tiễn; tạo lập sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa Toán học với thực tiễn, giữa Toán học với các môn học và hoạt động giáo dục khác, đặc biệt với các môn Khoa học, Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Công nghệ, Tin học để thực hiện giáo dục STEM. Nội dung môn Toán thường mang tính logic, trừu tượng, khái quát. Do đó, để hiểu và học được Toán, chương trình Toán ở trường phổ thông cần bảo đảm sự cân đối giữa “học” kiến thức và “vận dụng” kiến thức vào giải quyết vấn đề cụ thể. Trong quá trình học và áp dụng toán học, học sinh luôn có cơ hội sử dụng các phương tiện công nghệ, thiết bị dạy học hiện đại, đặc biệt là máy tính điện tử và máy tính cầm tay hỗ trợ quá trình biểu diễn, tìm tòi, khám phá kiến thức, giải quyết vấn đề toán học.

           Chương trình môn Toán tiểu học hình thành, phát triển ở học sinh năng lực toán học với các thành tố: tư duy và lập luận toán học; mô hình hoá toán học; giải quyết vấn đề toán học; giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện học Toán. Đồng thời, môn Toán góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã quy định trong Chương trình tổng thể; giúp học sinh bước đầu xác định được năng lực, sở trường của bản thân nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp, rèn luyện nhân cách để trở thành người lao động và người công dân có trách nhiệm.

           II. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC MÔN TOÁN NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

           Phương pháp dạy học tích cực: PPDHTC là một phương pháp dạy học toán mà ở đó người GV sử dụng một nhóm PP giáo dục và dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của người học đồng thời chống lại thói quen học tập thụ động của người học.

           Các dấu hiệu tích cực trong học toán gồm:

           - HS hăng hái phát biểu ý kiến.

           - Không bằng lòng lời giải của cô và của bạn

           - Không  bằng lòng với một cách giải quyết duy nhất

           - Thường hay thắc mắc, đặt ra câu hỏi và đòi hỏi được giải đáp, hay chia sẻ suy nghĩ với bạn.

           - Thường hay ngơ ngác trên lớp và suy nghĩ về vấn đề liên quan.

           - Học sinh còn tự giác, chủ động làm bài – tự học, trao đổi nhận xét bài cho bạn – hợp tác.

           1. Phương pháp trực quan

           Là một phương pháp dạy học toán mà ở đó người giáo viên làm cho HS năm được tri thức kĩ năng của môn toán dựa trên các hoạt động quan sát trực tiếp của trẻ đối với các hiện tượng, các sự vật cụ thể có ở đời sống xung quanh trẻ. Khi sử dụng phương pháp trực quan cần lưu ý đồ dùng trực quan phải đẹp, sặc sỡ, rực rỡ. Đồ dùng trực quan phải phong phú đa dạng.

           a) Cách sử dụng

           - Phải có mức độ không được lạm dụng, khi trẻ đã hiểu vấn đề thì không dùng trực quan nữa.

Phải nêu được bản chất toán học của tri thức cần dạy.

           b) Ví dụ

           Dạy số 3 là đưa ba bông hoa liền một lúc, không được đưa ra từng bông một.

           - Khi dạy hình thành phép cộng cho học sinh lớp 1 các vật dụng phải các vật di chuyển được như con gà, con thỏ. ….. vì phép cộng là phép hợp của 2 vật di chuyển được lại với nhau.

           - Không sử dụng các đồ vật vô tri vô giác như bông hoa, cái kẹo, cái ô…..

           - Tăng cường đưa trẻ vào quan sát thực tiễn.

           - Cho trẻ tham gia vào thao tác đồ dùng trực quan

           2. Phương pháp gợi mở - vấn đáp

           a) Định nghĩa

           PPGMVĐ là một phương pháp dạy học toán mà ở đó người giáo viên không đưa ra kiến thức trực tiếp mà giáo viên dùng hệ thống câu hỏi cho HS suy nghĩ trả lời từng câu.

           b) Lưu ý khi sử dụng phương pháp này

           - Câu hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, chính xác.

           - Câu hỏi không được quá dễ hay quá khó.

           - Câu hỏi phải làm cho HS suy nghĩ.

           Cấm đưa ra những câu hỏi mà học sinh chỉ phải trả lời ở dạng: Có, không, đúng, sai.

           c) Ví dụ : 6 + 4 = a

           Hỏi có bao nhiêu bạn kết quả a.

           Bao nhiêu kết quả b.

           - Làm cho trẻ hiểu được điều sai để nhận ra đúng.

           - Không nên kết luận quá sớm.

           - Cho trẻ giải thích kết quả của mình.

           - Ứng xử cho phù hợp không áp đặt.

           d) Cách hỏi

           - GV đưa ra câu hỏi trước để HS suy nghĩ rồi mới yêu cầu cách trả lời.

           - Khi hỏi không nên để HS trả lời đồng thanh, nói leo hoặc “vuốt đuôi”.

           - Khi HS trả lời GV cần chú ý lắng nghe đẻ sửa chữa sai lầm về mặt ngôn ngữ hoặc về mặt toán.

           - Cần khuyến khích HS tự sửa chữa sai lầm của mình với của bạn.

           - Cấm: mắng mỏ, mạt sát, chỉ trích, chửi bới chê bai khi HS trả lời sai.

           3. Phương pháp dạy học đặt và giải quyết vấn đề

           a) Định nghĩa: Dạy học đặt và giải quyết vấn đề là một phương pháp dạy học toán mà ở đó người GV tạo ra các tình huống có vấn đề, rồi điều khiển học sinh tự phát hiện vấn đề hoạt động tự giác và tích cực để giải quyết vấn đề thông qua đó đạt được mục tiêu học.

           b) Thế nào là một vấn đề đối với người học

           - Người học chưa thể thực hiện được yêu cầu đặt ra

           - Người học chưa được học một qui tắc có tính chất thuật giải để giải đáp câu hỏi hoặc để thực hiện yêu cầu đặt ra.

           c) Thế nào là một tình huống có vấn đề

           - Tồn tại một vấn đề theo nghĩa trên.

           - Tình huống phải gửi nhu cầu nhận thức.

           - Phải tạo được niềm tin ở khả năng người học

           d) Các bước tiến hành

           - Bước 1: GV nêu vấn đề, thường là đưa ra tình huống có vấn đề để học sinh trực tiếp chỉ ra vấn đề hoặc là HS sau khi tìm hiểu sẽ tự tìm ra vấn đề.

           - Bước 2: GV hướng dẫn HS tìm các chiến lược để giải quyết vấn đề.

           - Bước 3: GV theo dõi và giúp đỡ HS.

           - Bước 4: Hướng dẫn HS cách trình bày giải quyết vấn đề.

           - Trình bày khả năng ngôn ngữ  và khả năng toán học được hình thành

           Ví dụ: Dạy bài diện tích hình tam giác; Học sinh chuẩn bị 1 tờ giấy a4 hình chữ nhật, dùng thước và bút chì kẻ 1 đoạn thẳng nối 2 góc đối diện và cắt đôi thành 2 hình tam giác vuông. Cho học sinh tìm mối liên hệ giữa chiều cao hình tam giác vuông và chiều rộng hình chữ nhật, giữa 2 hình tam giác vuông khi ghép lại sẽ như thế nào so với hình chữ nhật. Diện tích hình chữ nhật là chiều dài nhân chiều rộng. Vậy tại sao khi tính diện tích hình tam giác vuông ta lại lấy chiều dài cạnh đáy nhân chiều cao chia 2. Đây là một số vấn đề giáo viên nêu ra cho học sinh giải quyết.

           4. Phương pháp luyện tập thực hành

           Định nghĩa: Là phương pháp dạy học toán mà ở đó người GV tổ chức cho HS giải quyết các nhiệm vụ hay các bài tập để tự HS khắc sâu kiến thức đã học hoặc phát triển kiến thức đó trở thành kiến thức mới hoặc vận dụng kiến thức đó làm tính giải toán và áp dụng thực tế.

           - Lưu ý: ¾ tổng số tiết toán là luyện tập thực hành.

           - Phải có sự chuẩn bị tốt cho việc luyện tập thực hành.

           - Tôn trọng tính độc lập của trẻ em, để cho trẻ suy nghĩ tìm ra biện pháp thực hành.

           5. Phương pháp giảng giải - minh hoạ: PPGGMH là một phương pháp dạy học toán mà ở đó người GV dùng lời nói để giải thích tài liệu toán có kết hợp với phương tiện trực quan để hỗ trợ cho việc giải thích.

           - Chú ý: Bất đắc dĩ mới dùng phương pháp này

           - Khi dùng phương pháp này không giảng giải quá 5 phút

           III. Đổi mới đồng bộ PPDH và ĐGHS trong dạy học Toán ở tiểu học

           Để “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học”, “bồi dưỡng PP tự học, hứng thú học tập, kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập”, có thể góp phần “phát triển toàn diện NL và PC” của HS tiểu học, định hướng dạy học toán ở tiểu học cần vận dụng một cách đa dạng các hình thức tổ chức với các phương pháp dạy học; chú trọng thực hành, ứng dụng, gắn kết kiến thức toán học với thực tế cuộc sống hằng ngày của các em, với các môn học khác và các hoạt động giáo dục trong hay ngoài nhà trường; chú trọng tổ chức hoạt động tự học (cá nhân, cặp, nhóm, cả lớp, ở nhà…) cho HS (với sự hướng dẫn, giám sát, đánh giá của GV, cha mẹ HS); GV cần đặc biệt chú ý, quan tâm đến việc dạy học phù hợp từng đối tượng HS; kết hợp việc giúp các em tự lĩnh hội được kiến thức toán học (thông qua hoạt động học) với việc hình thành, phát triển NL, PC của HS. GV cần chuyển quá trình thuyết giảng thành quá trình tổ chức hoạt động học cho HS, có thể thông qua các hoạt động: Gợi động cơ, tạo hứng thú; Trải nghiệm, khám phá; Phân tích, rút ra bài học; Thực hành;  Ứng dụng. Qua quá trình thực hiện các hoạt động học toán (cá nhân, cặp, nhóm, cả lớp, ở nhà…), ngoài việc HS hình thành và phát triển NL tư duy, năng lực tính toán thì HS cũng có thể phát triển một số NLPC như tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề.

           IV. ĐỔI MỚI LẬP KẾ HOẠCH DẠY HỌC TOÁN

           Giáo viên thiết kế Kế hoạch dạy học (KHDH) Toán theo tinh thần đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học với tinh thần “dạy học là tổ chức cho học sinh hoạt động để tự tiếp thu kiến thứcvà phát triển năng lực”. Cải tiến cách thiết kế KHDH đảm bảo yêu cầu tinh giản, vững chắc các kiến thức, các hoạt động cơ bản của tiết dạy, đảm bảo cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ  năng phù hợp với trình độ học sinh, nhất là  đối với học sinh là dân tộc thiểu số. Mục tiêu cần đạt cho từng đối tượng học sinh của lớp, những việc giáo viên cần phải làm, những yêu cầu cụ thể dành cho các nhóm học sinh khác nhau và phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu.

           Để đổi mới phương pháp dạy học Toán tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng phát triển năng lực học sinh tiểu học cần thực hiện như sau:

           - Trước hết Giáo viên phải dành thời gian đọc, nghiên cứu kĩ chương trình tổng thể và chương trình môn học, trong đó yêu cầu phải nắm vững mục tiêu môn Toán và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh. Nắm vững mục tiêu của môn toán trong cả cấp học trước khi xác định mục tiêu bài học. Điều này giúp giáo viên nhận biết khả năng tư duy của trẻ, nhận biết khiếm khuyết ở một phần nào của nội dung để có biện pháp phù hợp.

           - Theo nội dung sách giáo khoa, xác định mục tiêu cụ thể cho từng bài.

           - Từ mục tiêu và nội dung sách giáo khoa thiết kế các hoạt động dạy học, mỗi hoạt động dạy học phải xác định được đạt mục tiêu, phát triển năng lực nào cho học sinh, mỗi hoạt động dạy học giáo viên phải thiết kế và lựa chọn sử dụng các phương pháp và hình thức dạy học nào cho phù hợp, trong mỗi phương pháp ấy giáo viên sử dụng kỹ thuật, hình thức đánh giá nhận xét như thế nào nhằm phát triển năng lực học sinh.

           1. Chuẩn bị cho việc lập kế hoạch dạy học

           - Kế hoạch dạy học không có kiểu giáo án mẫu như trước đây dùng chung cho mọi giáo viên.

           - Giáo viên thật sự tâm huyết, cầu tiến, đổi mới trong Kế hoạch DH môn học từng bài nên có một phần ghi những kinh nghiệm thành công, những nội dung cần điều chỉnh sau khi dạy hoc cũng như ghi các nhận xét với những học sinh nhằm làm cơ sở cho việc nhận xét đánh giá thường xuyên theo Thông tư 22.

           - Nói chung, kế hoạch dạy- học toán ghi lại cách tổ chức, hướng dẫn cho học sinh học trong một tiết dạy cụ thể, không phải là bài soạn nội dung để truyền thụ đến học sinh.

           2. Kế hoạch dạy học cần chỉ rõ vai trò, mối tương tác giữa các chủ thể (Giáo viên – Học sinh) trong tiết dạy.

           Vậy Kế hoạch dạy-học cần thể hiện điều gì?

           Thể hiện rõ mục tiêu bài dạy:

           - Kiến thức cơ bản

           - Kĩ năng cơ bản.

           - Yêu cầu giáo dục phát triển.

           - Các Phẩm chất, năng lực được hình thành và phát triển.

           - Về cơ bản, nội dung, chương trình, mục tiêu dạy học có yêu cầu đáp ứng 2 nhiệm vụ: Phổ cập cho các đối tượng học sinh trong lóp và phát triển cho các học sinh cao hơn.

- Mục tiêu bài dạy thể hiện rõ tính phù hợp cho nhiều đối tượng.

           3. Quá trình tổ chức dạy- học

           Bao gồm: Mỗi quy trình cần thể hiện:

           - Phương pháp đặc trưng, trọng tâm – phương pháp phối hợp.

           + Các hoạt động chủ yếu của Thầy và Trò (hình thức hoạt động, giải quyết nhiệm vụ nào? Yêu cầu của mỗi nhiệm vụ là gì? Hệ thống các lệnh hướng dẫn của Thầy và hoạt động đáp ứng của Trò …)

           + Lưu ý: Các hình thức tổ chức hoạt động (Nhóm 2, nhóm 4, ……, các trò chơi học tập, …) đều trập trung vào phương pháp chủ yếu, đặc trưng.

           VD: Giáo viên có thể cho nhóm 4 học sinh cùng tham gia hoạt động (hợp tác) để thực hiện việc xác định một nội dung học tập nào đó bằng phương pháp quan sát, so sánh, phân tích, quy nạp, … thông qua các lệnh điều khiển hoạt động cho học sinh để hướng dẫn học sinh phương pháp tiếp cận vấn đề, phương pháp học tập (phương pháp khác hình thức hoạt động ).

           + Thể hiện sự hoạt động đồng bộ giữa Thầy với Trò, sự tương ứng giữa các hoạt động, sự hợp tác làm việc; sự theo dõi – kiểm soát; tư vấn thúc đẩy các hoạt động của cá nhân, nhóm, của cả lớp.

           V. Cấu trúc kế hoạch dạy – học Toán

           1. Hoạt động 1: Hoạt động sư phạm hoặc Khởi động, kết nối

           - Tổ chức, thiết lập môi trường làm việc, quan trọng là chuẩn bị tâm thế, tư thế cho học sinh bắt đầu học toán.

           - Tổ chức kiểm tra, có thể tái hiện kiến thức cũ đã học hoặc lồng ghép tùy giáo viên; đánh giá nhiệm vụ học tập (tổng quát, toàn diện, không chỉ thiên về kiến thức, kĩ năng cơ bản).

           - Tổ chức kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh.

           - Giáo viên chuẩn bị đồ dùng dạy học, bảng lớp, giới thiệu bài học mới.

           2. Hoạt động 2: Khám phá

           - Giúp học sinh khám phá nội dung kiến thức mới và cơ bản.

           - Ơ hoạt động này, giáo viên lên kế hoạch đầy đủ (bao gồm: tiến trình các bước dạy, phương pháp chủ yếu, hoạt động của Thầy và Trò, sử dụng các phương tiện, công cụ dạy học; hệ thống lệnh điều hành các hoạt động, … )

           3. Hoạt động 3: Hoạt động luyện tập cơ bản

           - Mục đích chủ yếu là tạo sự nối kết giữa kiến thức vừa khám phá với luyện tập đơn giản.

           - Ở hoạt động này, giáo viên chỉ cần nêu các lệnh điều hành:

           + Nêu nhiệm vụ tổng quát

           + Yêu cầu cần thực hiện.

           VD:

           + Nhiệm vụ tổng quát: thực hiện bài tập số …… trang ……

           + Yêu cầu:

           * Hình thức hoạt động: Hoạt động theo nhóm … (2, 3, 4, …)

           - Tìm hiểu đề bài, những đặc điểm cơ bản của đề bài và tìm phương pháp giải.

           * Hình thức hoạt động: nhóm 2:

           - Trao đổi cách làm, kết quả, đánh giá kết quả lẫn nhau.

           - Báo cáo, thông tin lại kết quả làm việc của nhóm (kết quả, các sai sót, nguyên nhân, cách giải quyết).

           4. Hoạt động 4: Hoạt động luyện tập thực hành

           - Mục đích chủ yếu là giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã nắm bắt ở hoạt động 2, 3 vào những nội dung luyện tập, những tình huống khác nhau ở mức độ cao hơn.

           - Ở hoạt động này, giáo viên cũng chỉ nêu các lệnh điều hành như ở hoạt động 3.

           Nhưng có dự kiến thêm về số lượng bài thực hành cho các đối tượng khác nhau (theo mục tiêu hoàn thành khác nhau).

           5. Hoạt động nối tiếp sau tiết học

           - Mục đích chủ yếu: Tạo cơ hội cho các em gắn các nội dung đã học vào hoạt động thực tiễn, thích ứng và tự lực hoặc tự xây dựng kế hoạch hợp tác (với anh chị, cha mẹ hoặc bạn bè hoặc với những điều kiện khác nhau, …)

           - Ở hoạt động này GV nên có bảng hướng dẫn thực hiện công việc:

           VD: Tìm hiểu vấn đề này ở từ điển (tên, nhà xuất bản), hoặc tìm hiểu vấn đề này thêm ở tạp chí, tập san, chuyên san … ở thư viện, tiệm sách; hoặc ở website ……; hoặc sưu tầm các mẫu vật có ở vườn nhà, …… nên ghi chép những nội dung quan sát được; nên nhờ sự cộng tác của anh chị, người thân, bạn bè, ……

           Mỗi hoạt động đều nên có lưu ý về tổ chức nhận xét, rút kinh nghiệm, củng cố, nêu giải pháp khắc phục.

 

MINH HỌA

KẾ HOẠCH DẠY- HỌC MÔN TOÁN

 

I. Mục tiêu

- Là mục tiêu cần đạt, phải đạt được sau tiết dạy.

- Mục tiêu phải đánh số thứ tự 1, 2, 3…..

- Từng mục tiêu phải chỉ rõ mức độ cần đạt của HS lớp mình.

- Mục tiêu cần ghi rõ thành câu

- Yêu cần cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh….

- Các mục tiêu phải phủ kín cả nội dung bài mình dạy bao gồm phần khung xanh trong SGK và hệ thống bài tập áp dụng

II. Hoạt động sư phạm

- Tổ chức, thiết lập môi trường làm việc, chuẩn bị tâm thế cho học sinh học toán, tư thế cho học sinh.

- Tổ chức kiểm tra, tái hiện kiến thức cũ đã học; đánh giá nhiệm vụ học tập (tổng quát, toàn diện, không chỉ thiên về kiến thức, kĩ năng cơ bản).

- Tổ chức kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh.

- Giáo viên chuẩn bị đồ dùng dạy học, bảng lớp, giới thiệu bài học mới.

III. Các hoạt động dạy - học chủ yếu

1. Hoạt động 1

- Nhằm đạt mục tiêu số mấy……….

- Hoạt động lựa chọn ……………………………………….....

- Hình thức tổ chức.....................................................................

- Phương pháp lựa chọn ……………………………………….

- Phẩm chất, năng lực hình thành và phát triển……….

Hoạt động của GV

 

Hoạt động mong đợi ở HS

 

Dự kiến kỹ thuật, hình thức nhận xét đánh giá thường xuyên

- Ghi câu hỏi

- Câu lệnh

- Không ghi câu kể lể

Vd:Em cho biết tranh vẽ gì?

 

 

 

Các hoạt động tiếp theo

ghi như HĐ1

 

 

 

IV. HĐ tiếp nối: Củng cố, nhận xét, dặn dò.....

V. Chuẩn bị ĐDDH

- GV

- HS

 

HOẶC

Hoạt động …….

Mục tiêu hoạt  động

Phương pháp

Hình thức

tổ chức

Hoạt động

giáo viên

Hoạt động

Học sinh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

           Để góp phần “phát triển toàn diện NL và PC” của HS tiểu học, trong quá trình dạy học Toán, GV cần phải tổ chức cho HS hoạt động học (theo cá nhân, cặp đôi, nhóm hay cả lớp) cùng với hoạt động tự nhận xét và nhận xét sản phẩm của bạn hay nhóm bạn, qua đó HS có thể tự chiếm lĩnh nội dung kiến thức, rèn kĩ năng cần thiết.Khi HS thực hiện hoạt động học thì GV thực hiện các hoạt động ĐG (quan sát, tư vấn, hướng dẫn HS, nhận xét…). Để có thể tổ chức cho HS hoạt động học được hiệu quả, GV cần phải xác định rõ mục tiêu hay yêu cầu cần đạt và nội dung bài học, từ đó thiết kế thành các hoạt động học và hoạt động ĐG (nhận xét, tự nhận xét…) để HS thực hiện. GV tổ chức hoạt động dạy học Toán cùng với hoạt động ĐG để góp phần hình thành, phát triển NLPC HS. Trong quá trình tổ chức hoạt động học Toán và ĐGHS trong giờ học Toán, để thực hiện yêu cầu “vì sự tiến bộ của HS”, GV phải được chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong toàn bộ giờ học nói riêng và quá trình giảng dạy nói chung. Với trách nhiệm của mình, cùng với năng lực sẵn có và sự tâm huyết nghề nghiệp, yêu thương HS, việc đổi mới đồng bộ PPDH và ĐGHS trong DH môn Toán ở tiểu học sẽ giúp HS tiến bộ trong học tập môn Toán, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học./.

                             Nguyễn Duy Hải - Trưởng phòng GDTH Sở GDĐT

 

Tin tức khác