Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Quan trọng là tháo gỡ “điểm nghẽn”

28.01.2020 13:45337 đã xem

Nhân dịp năm mới, người đứng đầu ngành Giáo dục đã trải lòng về một năm bận rộn của ngành và những dự định cho năm 2020 - năm bản lề của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Câu chuyện đầu năm mới cũng cho thấy những hình dung ban đầu về một thế hệ học sinh trưởng thành từ Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên thầy và trò vùng lũ Tân Hóa (Quảng Bình) tháng 9/2019. Ảnh: Xuân Phú 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên thầy và trò vùng lũ Tân Hóa (Quảng Bình) tháng 9/2019. Ảnh: Xuân Phú

Cái được nhất là công tác pháp chế

- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại năm 2019 đâu là việc quan trọng nhất ngành Giáo dục đã làm được và những việc khiến ông còn băn khoăn, trăn trở?

- Nếu chọn một việc quan trọng nhất ngành Giáo dục đã làm được trong năm 2019 và cả những năm trước đó, tôi chọn công tác hoàn thiện thể chế hay nói cách khác, cái được nhất mà ngành đã làm được trong thời gian qua là công tác pháp chế. Tiêu biểu phải kể tới việc 2 luật do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng là Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Ngoài ra, hệ thống văn bản đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ.

Theo tôi, thước đo đánh giá hiệu quả của quản lý Nhà nước phải là đổi mới cơ chế chính sách chứ không phải chỉ kể về thành tích thi Olympic, kết quả PISA hay xếp hạng đại học… Khi cơ chế chính sách còn là điểm nghẽn thì nhiệm vụ của Bộ trưởng là phải chỉ đạo để tháo gỡ điểm nghẽn này, đó mới là thành công.

Năm 2020, tôi rất nhấn mạnh đến hoạt động kiểm tra giám sát thực thi công tác pháp chế. Đối với quản lý Nhà nước, đầu tiên là việc ban hành văn bản phải chuẩn, sau đó là hướng dẫn thực hiện văn bản và cuối cùng là tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện. Thời gian qua, ngành Giáo dục mới làm tốt việc rà soát, hoàn thiện pháp chế mà chưa đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra pháp chế dẫn tới quá trình thực thi chưa thực sự hiệu quả.

Về những việc còn trăn trở, tôi muốn nói rằng, ngay cả trong cái được cũng còn những cái chưa được. Thách thức lớn nhất hiện nay là năng lực của đội ngũ, từ cán bộ quản lý đến giáo viên (GV), vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, đổi mới đến gần rồi nhưng điều kiện thực hiện vẫn còn khó khăn. Đội ngũ GV ở một số nơi còn thiếu, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng GV phải bồi dưỡng cho đổi mới rất lớn, trong khi họ vẫn phải đảm đương đứng lớp hàng ngày, đây là thách thức cho GV cả về thời gian vật chất lẫn năng lực chuyên môn. Đội ngũ quản lý cũng vậy.

Một khó khăn nữa với đội ngũ GV là nhiệm vụ thì nặng nề mà chế độ đãi ngộ vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Thông thường trách nhiệm phải đi liền với quyền lợi, thậm chí quyền lợi phải đi trước. Khi yêu cầu thầy cô phải đổi mới chuyên môn, cường độ làm việc nhiều hơn thì chế độ đãi ngộ phải đi kèm. Bên cạnh đó là thách thức về trường lớp, thiết bị dạy học. Khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các địa phương khó khăn không chỉ miền núi mà ngay cả thành phố lớn cũng phải đối mặt với tình trạng sĩ số lớp đông, tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn tới thiếu trường, thiếu lớp.

Ở bậc đại học, khó khăn hiện nay là tốc độ tự chủ không đi liền với khả năng tự chủ dẫn đến không ít các trường đại học năng lực kém, không đủ điều kiện, chệch choạc về chất lượng. Thêm nữa Hội đồng trường, luật pháp quy định thực quyền nhưng việc thực quyền chưa thể có ngay lập tức - đó là rào cản đối với tự chủ đại học. Đội ngũ giảng viên trình độ còn thấp, tiến sĩ trở lên mới đạt khoảng 27%. Đội ngũ có tốt thì chất lượng đào tạo mới tốt được.

Cùng địa phương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

- Năm 2020 được xác định là một năm bận rộn của ngành Giáo dục, Bộ trưởng sẽ chọn ưu tiên gì cho năm quan trọng này?

- Năm 2020, có 2 việc tôi phải quan tâm. Thứ nhất, tăng cường chỉ đạo các địa phương chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những điều kiện để áp dụng: GV, cơ sở vật chất, trường lớp và sách giáo khoa. Trách nhiệm của Bộ là ban hành chương trình, sách giáo khoa cũng đã được công bố nhưng quan trọng là tổ chức triển khai như thế nào và quyết định vấn đề này thuộc về địa phương. Năm 2020 tôi sẽ dành nhiều thời gian cho các địa phương để cùng với họ tổ chức thực hiện, nhất là với những vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.

Khi thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, những vấn đề dư luận đặt ra như thi cử, bệnh thành tích, dạy thêm học thêm sẽ được khắc phục. Thực hiện Chương trình phổ thông mới là gốc, nếu thực hiện tốt theo bản thiết kế đó, từng bước một những vấn đề còn tồn tại của giáo dục phổ thông hiện nay sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp mất đi.

Thứ hai, triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tới đây, tự chủ đại học cần phải triển khai rất gấp rút nhưng phải căn cơ, tránh trường hợp có những rối loạn, đổ vỡ. Trong tự chủ đại học, tôi quan tâm sâu tới Hội đồng trường để Hội đồng phải thực quyền, quá trình chuyển đổi từ không thực quyền sang thực quyền là vô cùng khó khăn.

Tôi cũng rất quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực. Nói thế nào đi chăng nữa thì một đất nước gần 100 triệu dân mà tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên mới đạt 5% vẫn là thấp, do vậy vấn đề của đại học không phải co lại về số lượng đào tạo mà là nâng cao về chất lượng. Chú trọng kiểm định chương trình, xây dựng và ban hành chuẩn chương trình, chuẩn đầu ra. Bộ GD&ĐT đang sửa tất cả các quy chế đào tạo đại học theo hướng siết chất lượng, tạo điều kiện cho các trường nhưng phải đảm bảo chất lượng chứ không theo hướng “cầm tay chỉ việc” hoặc “xin cho”, tăng tự chủ nhưng phải tăng chất lượng giải trình, siết chặt các hình thức, loại hình đào tạo.

Tôi cũng chú trọng tới nguồn nhân lực về sức khỏe. Khi kinh tế phát triển hơn, vấn đề đặt ra là chất lượng cuộc sống. Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ/người dân vẫn còn thấp, chất lượng không đồng đều, nếu không chú trọng nguồn nhân lực này nhiều vùng khó khăn sẽ thiếu bác sĩ, quyền của người dân về chăm sóc sức khỏe sẽ không đảm bảo. Trong giáo dục, mọi trẻ em phải được tiếp cận giáo dục, trong y tế, mọi người đều có quyền tiếp cận y tế.

 

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

 

Năm 2020 sẽ chuyển động tích cực về quy hoạch đại học

- Quy hoạch đại học là việc đã được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua nhưng dường như vẫn chưa nhìn thấy rõ những chuyển động. Năm 2020 này sẽ có chuyển động nào không, thưa Bộ trưởng?

- Rà soát, quy hoạch là nhiệm vụ thường xuyên phải làm, không chỉ với giáo dục mà với cả các ngành khác, nhất là khi Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch. Tất cả các bài toán đầu tư phải bắt đầu từ quy hoạch. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ quy hoạch giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ 2 Đề án là Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm. Đây chưa phải là quy hoạch mà mới là rà soát bước đầu.

Theo đó, những trường nào gần nhau về ngành nghề đào tạo, những trường yếu phải tính đến sáp nhập hay giải thể, còn có sáp nhập, giải thể hay không phải căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn chứ không phải căn cứ về mặt hành chính. Nhưng nhìn chung, hệ thống giáo dục đại học phải được sắp xếp một cách hợp lý, tránh tình trạng dàn trải, không phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.

Bài toán quy hoạch phải được nhìn tổng thể, cơ cấu về không gian, về ngành nghề, có nghiên cứu, tính toán tốt và có tầm nhìn dài. Với đại học quy hoạch theo hướng tự chủ, tự chủ ở đây không phải muốn làm gì thì làm mà căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu của người học (tinh hoa và đại chúng), đặc biệt là điều kiện đảm bảo chất lượng để đáp ứng các chuẩn đầu ra theo yêu cầu.

Trên cơ sở 2 Đề án, Bộ đề xuất Chính phủ những quy tắc, định hướng, chuẩn quy hoạch và những chính sách để theo đó các trường đại học, các địa phương có lộ trình để sắp xếp, sau một thời gian nhất định hệ thống giáo dục đại học sẽ được hình thành một cách hợp lý. Năm 2020, quy hoạch giáo dục đại học chắc chắn sẽ có những chuyển động tích cực. 2 Đề án như tôi nói ở trên mới là sắp xếp, chưa phải quy hoạch, nhưng thuận lợi là sắp xếp và quy hoạch đều do Bộ GD&ĐT thực hiện nên các tiêu chuẩn, tầm nhìn của sắp xếp được nằm trong quy hoạch. Do vậy, bước tiếp theo sẽ rất thuận lợi.

Sắp xếp là giải bài toán vừa trước mắt, vừa lâu dài để 10 năm sau chúng ta sẽ có được hệ thống giáo dục đại học tốt, hình thành nên các khu đại học, các trường đại học lớn, có tầm vóc, theo đó khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển.

Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho giáo viên

- Bộ trưởng từng chia sẻ rằng, Bộ trưởng sẽ luôn bên cạnh các thầy cô; thầy cô có hạnh phúc đổi mới giáo dục mới thành công. Thời gian qua, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo như thế nào để chăm lo cho đội ngũ nhà giáo và kết quả là như thế nào?

- Đây là mong muốn vừa trước mắt vừa lâu dài nhưng nếu không làm ngay từ bây giờ sẽ khó có thể giải quyết được lâu dài.

Trước hết, tôi cùng anh em trong Bộ rà soát các chính sách cho nhà giáo, những gì có thể làm được trong thẩm quyền để thầy cô tốt hơn thì ta phải làm ngay. Trong đó, phải kể đến việc rà soát các văn bản quy định về vấn đề sổ sách của GV và ban hành văn bản chấn chỉnh. Sau khi văn bản này được ban hành và quán triệt đến từng địa phương, cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo đã thấy “dễ thở hơn”, cởi bỏ cho GV những quy định không đáng có.

Tôi đang rất cố gắng chỉ đạo và cùng các anh em xây dựng thang bảng lương GV sắp tới trình Chính phủ, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho giáo viên. Một trong những động lực cho thầy cô phải kể đến lương, thu nhập. Tôi chỉ đạo anh em bám rất sát nhiệm vụ này và kiên trì, kiên định đề nghị lương khởi điểm của GV tăng lên, bởi hiện nay lương khởi điểm của GV, nhất là mầm non rất thấp, tính ra chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, không đủ sống; ưu tiên cho những thầy cô mới vào nghề, thâm niên chưa dài nhưng thang bậc được cải thiện. Tôi cho rằng điều này rất thiết thực với thầy cô.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát các chuẩn, quy chuẩn của giáo viên để loại bỏ những gì không còn phù hợp. Đặc biệt tạo điều kiện cho các thầy cô được tự học để đạt chuẩn. Trong các chính sách cũng sẽ chú ý để các hiệu trưởng phải thay đổi. Khi hiệu trưởng thay đổi, chuyển từ tư duy quản lý hành chính thuần túy sang quản trị nhà trường, quan tâm xây dựng thương hiệu nhà trường, tạo sự tin tưởng, động lực cho giáo viên, khi đó môi trường giáo dục sẽ hạnh phúc, chất lượng giáo dục sẽ nâng lên.

10 năm nữa sẽ là một thế hệ học sinh khác…

- 2020 là năm Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đối với lớp 1, theo lộ trình, đến năm 2025 chương trình sẽ triển khai ở tất cả các lớp học, cấp học. Nếu có một hình dung về học sinh Việt Nam trong tương lai, sau khi được học chương trình mới này, Bộ trưởng sẽ hình dung như thế nào?

- Là người làm giáo dục thì phải hình dung ra sản phẩm của giáo dục là con người, không chỉ học hết lớp 12, hết đại học mà phải hình dung ra họ trong suốt cuộc đời. Hiện nay ngoài giáo dục chính quy ra còn có giáo dục thường xuyên, giáo dục suốt đời. Mục tiêu giáo dục là tạo điều kiện tốt nhất phát triển con người, chiến lược giáo dục thường nhìn 10 năm và tầm nhìn dài hơn.

Ở bậc phổ thông, tôi rất có niềm tin đến năm 2030, học sinh được đào tạo từ Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một con người phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ, đặc biệt là độ tự chủ trong sáng tạo, trong ứng xử.

Chương trình mới sẽ khơi dậy sự sáng tạo, cảm thụ thẩm mỹ trong mỗi con người. Khi có năng lực sáng tạo, năng lực tự chủ, được bước ra khỏi những rào cản, học sinh sẽ mạnh dạn hơn, có khát vọng hơn. Tôi tin rằng, sau 10 năm nữa thế hệ trẻ được đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là một thế hệ khác, có nhiều sáng tạo, đam mê và khát vọng, được phát huy sức mạnh nội sinh. Từ đó sẽ tạo áp lực để thầy cô phải thay đổi.

Thực tế để thầy cô tự thay đổi sẽ chậm, nếu áp đặt mệnh lệnh hành chính để thầy cô thay đổi càng chậm, nếu áp lực từ xã hội thầy cô sẽ co lại, nhưng từ áp lực của học sinh thầy cô sẽ thay đổi. Tiến tới người thầy không phải chỉ truyền dạy mà phải là người truyền cảm hứng.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

M.Thu – Ng. Nhung (Thực hiện) - Báo GD&TĐ

Tin tức khác