Bài viết tham gia cuộc thi viết về "Gương sáng trên mặt trận phòng chống dịch" do CĐGD tỉnh Lâm Đồng phát động

22.04.20201093 đã xem

Họ và tên: Bùi Thị Yến
Đơn vị công tác: Giáo viên trường THCS Nguyễn Du
Thành phố Đà Lạt_ Tỉnh Lâm Đồng

“Như mưa ngày nào thấm ướt vai em
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt vai mềm…”

Đà Lạt bắt đầu chuyển mưa. Cơn mưa đầu mùa hối hả mang theo một chút ấm áp, một chút bụi, một chút vội vàng cho con người mảnh đất này. Mưa! Nhâm nhi một ly cà phê nóng, thưởng thức một bản nhạc xưa và ngắm nhìn thành phố, bao suy nghĩ trong tôi lại ùa về. Câu chuyện của một chị đồng nghiệp dạy cùng trường mà tôi được nghe sáng nay cứ làm tôi trăn trở mãi. Chị bảo chồng chị là sỹ quan quân đội, đã hơn một tháng nay anh đi biền biêt không về vì phải làm nhiệm vụ cùng nhân dân cả nước chống giặc Covid-19. Vợ ốm, con đau anh cũng chỉ có thể gọi điện thăm hỏi, động viên, nén nỗi đau vào bên trong, gạt đi sự lo lắng để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Câu chuyện về anh mà chị kể đã để lại trong tôi những băn khoăn, day dứt. Các bạn có biết không? Trong cái lặng im, dưới những dinh thự cũ kĩ của Đà Lạt – nơi mà mới chỉ nghe tên thôi người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.

Không cần nói nhiều, chúng ta cũng đã biết rất rõ về những hậu quả mà đại dịch Covid-19 để lại cho nhân hoại. Biết bao gia đình mất đi người thân yêu, biết bao trường học phải đóng cửa, biết bao nhà máy, xí nghiệp ngưng hoạt động, và ngoài kia biết bao người thất nghiệp, thiếu ăn, thiếu mặc, luôn sống trong tâm trạng sợ hãi, căng thẳng, lo âu! Với những mất mát đau thương này, chúng ta như nhớ lại cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm để giành nền độc lập cho Tổ quốc. Trong những năm tháng ấy, cả dân tộc ta bừng bừng khí thế, làm theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi đó đã in sâu vào trong mỗi trái tim của hàng triệu con người Việt Nam. Giờ đây, đất nước đã hòa bình, non sông đã thống nhất, nhưng dân tộc ta lại phải đương đầu với một cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà ở đó kẻ thù của chúng ta là một kẻ vô hình. Bầu trời không có tiếng gầm rú của máy bay, mặt đất không có bom rơi, đạn nổ nhưng hằng ngày, hằng giờ nó đang lặng lẽ cướp đi sinh mạng của hàng vạn người. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước đã sáng suốt đưa ra những biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Người người chống dịch, nhà nhà chống dịch. Trong đó không thể không nhắc tới lực lượng quan trọng của cuộc chiến này là những người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ đang ngày đêm “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Nhân tiện Công đoàn ngành giáo dục Lâm Đồng phát động cuộc thi viết về những tấm gương sáng trên mặt trận phòng chống Covid-19, nhớ lại câu chuyện của chị đồng nghiệp, tôi quyết định sẽ viết về anh (chồng chị) – Thượng tá Phùng Mạnh Hùng - Chủ nhiệm Hậu cần hiện đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng. Anh chính là một trong những tấm gương sáng trên mặt trận phòng chống Covid-19 mà tôi đã được nghe, được thấy.

Dường như đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, cái tên của anh không còn xa lạ. Đó là một người thủ trưởng gần gũi, thân thiện, luôn quan tâm đến từng cán bộ, chiến sĩ của mình, sống và làm việc có trách nhiệm. Trong đại dịch Covid-19, được sự chỉ đạo của cấp trên, với tư cách là chủ nhiệm hậu cần, anh đã tham mưu, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống, coi “chống dịch như chống giặc” với phương châm 04 tại chỗ, bảo đảm tốt nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Không những thế, anh còn tham mưu tổ chức tập huấn chuyên môn phòng chống dịch cho 03 lớp cán bộ, nhân viên quân y; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 1.200 lượt cán bộ, quân dân đang làm việc trong và ngoài doanh trại. Thành lập 02 tổ cơ động phòng chống dịch, tham mưu cho UBND tỉnh 02 khu cách ly (tại Bệnh xã H32 và e994). Phối hợp với Sở Y tế và các ban nghành liên quan khảo sát 27 điểm mới để phục vụ cho công tác cách ly được hiệu quả. Bản thân anh là người trực tiếp đi từng địa điểm trên để kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị…Tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ quan đơn vị và các điểm cách ly. Chỉ đạo cơ quan đơn vị hạn chế bội đội ra ngòai doanh trại, không giải quyết phép, trực chiến 100%, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Triển khai phun hóa chất sát khuẩn môi trường doanh trại, kiểm tra thân nhiệt đối với người tại cổng ra vào. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục rộng rãi 100 câu hỏi về kiến thức phòng chống dịch, duy trì hệ thống phát thanh, báo chí…cho cán bộ, chiến sĩ trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid…

Chỉ nhiêu đây thôi không thể nói hết được những đóng góp thầm lặng của anh, của bao cán bộ, chiến sĩ, của bao đồng bào ta trong cuộc chiến gay go, quyết liệt này. Sau lớp áo xanh của anh là những giọt mồ hôi rơi. Hơn một tháng qua, anh cùng tất cả cán bộ, chiến sĩ làm việc không có ngày nghỉ và cũng chưa ai được về thăm gia đình một lần. Con anh bị ốm đòi được gặp ba, vợ anh vừa phải chăm con ốm, vừa phải chu toàn công việc gia đình và ngoài xã hội! Nhớ vợ, thương con, vất vả, gian lao là thế, nhưng anh vẫn một lòng hướng về nhân dân với tinh thần “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nhìn những chiếc xe đưa công dân sau khi hết thời gian cách ly trở về gia đình đoàn tụ trong niềm vui, hạnh phúc rời đi mà lòng tôi bồi hồi xúc động. Toàn tỉnh Lâm Đồng chỉ còn một trường hợp cách ly nhưng anh và những đồng chí, đồng đội của mình vẫn không được nghỉ ngơi mà lập tức bắt tay ngay vào công việc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Đó là sự hi sinh cao đẹp nhất cho Tổ quốc của các anh! Nghĩ về anh, tôi lại nhớ về một thời đau thương, khói lửa nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc! Ở đó chúng ta thật tự hào khi đất nước đã sản sinh ra những con người anh hùng mang tên Bộ đội Cụ Hồ:

“Nhân dân gọi các anh: Bộ đội Cụ Hồ!
Những người lính đêm ngày không biết mỏi
Khi Tổ quốc thân yêu lên tiếng gọi
Tay súng sẵn sàng bảo vệ quê hương!
Bộ đội Cụ Hồ - tiếng gọi thân thương
Màu áo xanh như cây đời hi vọng
Dẫu đời lính gian nan, lòng chẳng hề lay động
Vẫn nở nụ cười tươi rói trên môi!”

Chiến tranh đã lùi xa, non sông Việt Nam đã lặng im tiếng súng, song những người lính như anh chưa bao giờ được ngơi nghỉ. Nơi hải đảo xa xôi, ngoài biên thùy giá rét, hay giữa lòng thành phố bộn bề thì anh và những đồng đội của mình vẫn ngời lên vẻ đẹp phẩm chất cách mạng “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.”

Cuộc chiến chống “giặc Covid” chắc chắn sẽ còn lâu dài và diễn biến phức tạp. Nhưng nhất định các anh sẽ thắng, chúng ta sẽ thắng! Bởi đó là cuộc chiến đấu bằng tất cả trí tuệ, niềm tin, tình người và bản lĩnh Việt Nam! Cũng giống như sau cơn mưa nắng sẽ lên và cầu vồng sẽ xuất hiện. Những dải màu lung linh ấy sẽ tỏa rạng khắp nơi trên đất nước của chúng ta!...

P/S: Chỉ là một cơn mưa đầu mùa vội vã…Mưa đến rồi đi, để lại trong tôi một chút bối rối, một chút dại khờ. Phố đã lên đèn, màn đêm lặng lẽ buông xuống. Ngồi trong nhà nhìn ra khung cửa sổ, ly cà phê còn ấm nóng trên tay, cuộc sống sao bình yên đến lạ! Nhưng ngoài kia vẫn còn có những con người như anh “vượt nắng, thắng mưa, say sưa làm nhiệm vụ”! Càng nghĩ tôi lại càng thấu hiểu hơn về những cống hiến, hy sinh thầm lặng của anh và bao đồng chí, đồng đội cho nhân dân, đất nước! Và lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của tác giả Trần Long Ẩn cứ thế hiện về, xoáy sâu vào kí ức tôi:

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
Gian khổ sẽ dành phần ai?...”

Tin tức khác