Sự cần thiết phải lồng ghép giới trong quản lý, giáo dục học sinh ở trường trung học phổ thông

28.05.2019 14:4629107 đã xem

Lồng ghép giới “là một chiến lược nhằm đưa những mối quan tâm và kinh nghiệm của phụ nữ và nam giới vào quá trình thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách, chương trình như là một phần không thể thiếu của các chính sách, chương trình đó,… để phụ nữ và nam giới cùng được thụ hưởng một cách bình đẳng và để tình trạng bất bình đẳng không còn bị kéo dài dai dẳng. Mục đích cuối cùng của lồng ghép giới chính là bình đẳng giới” (Dựa theo định nghĩa của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc).

Nhạy cảm giới “là khả năng nhận biết được những khác biệt giới, vấn đề giới và bất bình đẳng giới hiện có, kết hợp chúng vào các chiến lược và hành động” (Bộ công cụ thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục – GENIA Toolkit). Trách nhiệm giới chỉ những hành động thực tiễn của cá nhân hoặc tổ chức để giải quyết các vấn đề giới, nhằm cải thiện hoặc loại trừ tình trạng bất bình đẳng giới. Nhạy cảm giới và trách nhiệm giới là hai cấp độ của lồng ghép giới. Có thể nói, lồng ghép giới là công cụ hữu hiệu để giải quyết các vấn đề dưới góc độ giới ở tất cả cấp độ, các lĩnh vực hay khía cạnh hoạt động khác nhau; nhằm xác định những vấn đề giới hay tình trạng bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong một lĩnh vực can thiệp cụ thể; nhằm làm rõ nguyên nhân gây bất bình đẳng giới; từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp cụ thể để giải quyết những vấn đề bất bình đẳng giới đó một cách hệ thống, nhất quán và xuyên suốt.

Mục đích của lồng ghép giới là làm thay đổi tư duy, thái độ và cách thức hành động của cá nhân và tổ chức trên quan điểm bình đẳng giới; đảm bảo nam, nữ được đối xử bình đẳng; được tạo cơ hội và điều kiện phù hợp để phát triển đầy đủ năng lực của bản thân và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững của gia đình, tổ chức và xã hội. Như vậy, lồng ghép giới vừa là biện pháp, vừa là phương tiện giúp đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

Lồng ghép giới đã được quốc tế và Việt Nam công nhận là một biện pháp chiến lược quan trọng để đạt được bình đẳng giới. Các quốc gia và nhân loại muốn phát triển thịnh vượng, bền vững đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực phát triển có chất lượng cao; để đạt được điều này, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là đặc biệt quan trọng. Bởi vì, thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục là góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ phát triển toàn diện, đóng góp hiệu quả vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, lao động việc làm, văn hóa, xã hội và gia đình. Do đó, lồng ghép giới trong quản lý, giáo dục học sinh ở trường phổ thông được xem như là một giải pháp trước mắt và chiến lược lâu dài để thúc đẩy bình đẳng giới trong nhà trường và xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, lồng ghép giới trong công tác quản lý, giáo dục học sinh ở bậc Trung học phổ thông nói riêng và trong trường học nói chung là hết sức cần thiết bởi những lý do:

- Xây dựng môi trường giáo dục bình đẳng, an toàn và thân thiện; không có định kiến giới, phân biệt đối xử về giới và bạo lực trên cơ sở giới;

- Cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường;

- Đảm bảo việc thực thi và bảo vệ các quyền cơ bản của học sinh, góp phẩn đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Việc xây dựng môi trường lớp học, trường học thân thiện, an toàn, bình đẳng là một trong các yếu tố cơ bản đáp ứng các quyền con người cơ bản của học sinh; giúp học sinh mỗi ngày đến trường đều được vui vẻ, được tôn trọng và cảm thấy hạnh phúc, an toàn trong môi trường học đường.

Để làm được điều đó, nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải thực hành lồng ghép giới trong công việc hàng ngày của mình; coi việc lồng ghép giới vừa là biện pháp, vừa là phương tiện hữu hiệu để xây dựng lớp học, trường học thân thiện, an toàn và bình đẳng.

Đoàn Lâm Đồng chụp hình kỷ niệm với ông Trần Kim Tự - Phó Cục Trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong khóa Tập huấn “Nâng cao kỹ năng lồng ghép giới trong quản lý, giáo dục học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông” từ ngày 16 đến 18/05/2019 tại Khách sạn Công đoàn Ban Mê, số 9 Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột.

Lồng ghép giới trong quản lý, giáo dục học sinh đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có nhạy cảm và trách nhiệm giới và phải luôn xem xét các mối tương quan về giới trong công việc, hoạt động giáo dục hàng ngày của mình (giao tiếp với đồng nghiệp và học sinh, giảng dạy chuyên môn, thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục học sinh; tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao,… cho học sinh) để:

- Nhận diện được các vấn đề giới, bất bình đẳng giới;

- Phân tích và đánh giá được các nguyên nhân và tác động tiêu cực của vấn đề giới, bất bình đẳng giới đó tới sự tham gia và chất lượng tham gia của mỗi học sinh trong lớp mình chủ nhiệm;

- Đưa ra được các biện pháp can thiệp (biện pháp, hoạt động, dịch vụ cụ thể) để giải quyết vấn đề giới, bất bình đẳng giới đó là một cách hiệu quả nhất; trên cơ sở thừa nhận và tôn trọng những điểm tương đồng và khác biệt giữa nam và nữ, cũng như nhóm học sinh có bản dạng giới khác.

Đoàn Lâm Đồng đang thực hiện thảo luận nhóm theo yêu cầu của chuyên gia trong khóa Tập huấn “Nâng cao kỹ năng lồng ghép giới trong quản lý, giáo dục học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông” từ ngày 16 đến 18/05/2019 tại Khách sạn Công đoàn Ban Mê, số 9 Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, Thành phố Buôn Ma Thuột.

Bất bình đẳng giới và bạo lực giới diễn ra phổ biến trong trường học, ở mọi cấp học, lớp học. Vì thế, bình đẳng giới chỉ đạt được kết quả khi lồng ghép giới được coi là một nguyên tắc xuyên suốt và phải được thực hiện liên tục, nhất quán trong môi trường giáo dục của nhà trường ờ tất cả các cấp độ cá nhân (giáo viên chủ nhiệm, học sinh, giáo viên bộ môn, nhân viên, cán bộ lãnh đạo, phụ huynh) và cấp độ tổ chức (lớp học, tổ bộ môn, hội đồng giáo viên, ban giám hiệu, Đoàn – Đội, Hội phụ huynh,…). Có như vậy mới từng bước giải quyết được triệt để những nguyên nhân gây nên tình trạng bất bình đẳng và tiến tới đạt được bình đẳng giới thực chất trong phạm vi lớp học, trường học và toàn xã hội.

 

Tin tức khác