Những kết quả đạt được sau 10 năm thi hành luật bình đẳng giới của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng

22.09.2017 14:191598 đã xem
Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái được tiếp cận với giáo dục, xóa mù chữ, tăng nhận thức, tăng trình độ học vấn, tham gia nghiên cứu khoa học… từ đó mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. 
Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo là tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái được tiếp cận với giáo dục, xóa mù chữ, tăng nhận thức, tăng trình độ học vấn, tham gia nghiên cứu khoa học… từ đó mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi phụ nữ có học vấn, học vị cao sẽ mở ra các cơ hội cho họ về nhiều mặt, như việc làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận về y tế, kế hoạch hóa gia đình, tham gia lĩnh vực chính trị, xã hội... 
Trong 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới đối với giáo dục nói chung và trong ngành giáo dục Lâm Đồng nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó có những kết quả nổi bật như là:
Tỷ lệ phụ nữ so với nam giới trong số người biết chữ đã tăng lên đáng kể, từ năm 2007 đến 2016 đã tăng tăng lên 7,2% (phụ nữ biết chữ  trong độ tuổi từ 15-40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 97,2%); Tỷ lệ trẻ em gái được đến trường học tập ngày càng tăng lên (số lượng học sinh toàn tỉnh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông năm học 2016-2017 là  310.752 em trong đó học sinh nữ là 153.532 em, chiếm tỉ lệ 49,4%). Nhiều nữ sinh đạt được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và quốc tế. 
Tỷ lệ nữ cán  bộ làm lãnh đạo quản lý ngày cành tăng, trong số 1885 cán bộ quản lý của ngành giáo dục Lâm Đồng hiện nay có 1094 cán bộ lãnh đạo là nữ, chiếm tỷ lệ 58,03 %.
Xác định bình đẳng giới không phải là kêu gọi người khác cho mình sự bình đẳng mà bản thân mỗi nữ cán bộ giáo viên phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, giỏi việc nước, đảm việc nhà để khẳng định vai trò vị thế của mình. Ngành giáo dục Lâm Đồng có 20 nhà giáo đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng “Nhà giáo ưu tú” thì có 16 nhà giáo là nữ; trong số cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ có đến 61,8% cán bộ, giáo viên nữ.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới tổ chức vào ngày 21/9/2019, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã biểu dương những kết quả đạt được trong triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới của ngành Giáo dục tỉnh giai đoạn 2007-2017. Tại hội nghị này Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục đã vinh dự nhận được bằng khen của UBND tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh ký tặng.
 
Đ/c Phạm Thị Hồng Hải – TUV, Phó Giám đốc Sở GDĐT, Trưởng Ban VSTBPN ngành GD
phát biểu tham luận tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.


Ban VSTBPN ngành GD nhận bằng khen của UBND tỉnh 

 
Để không ngừng phát huy vai trò, sự cống hiến của phụ nữ ngành Giáo dục đào tạo. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã đề ra một số giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới và Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 của ngành giáo dục như sau:
1. Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể cùng cấp đối với việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 của ngành giáo dục.
Nâng cao năng lực của các cán bộ, đặc biệt là cấp có thẩm quyền ra quyết định trong việc đưa ra những quy định phù hợp với luật pháp hiện hành về tỉ lệ tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý của ngành giáo dục. Đảm bảo yếu tố giới trong quy hoạch cán bộ các cơ sở giáo dục và các cấp hàng năm. Xây dựng các biện pháp, chỉ tiêu cụ thể cho công tác cán bộ nữ.
2. Phối hợp với Công đoàn ngành, nghiên cứu, chỉ đạo tốt các phong trào, các cuộc vận động hỗ trợ nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động hoàn thành nhiệm vụ chính trị, tạo điều kiện để nữ cán bộ, nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực về kĩ năng quản lý, lãnh đạo cho cán bộ nữ trong quy hoạch của ngành. Lồng ghép các thông tin và kiến thức về giới, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử trên cơ sở giới tại nơi làm việc, các dịp lễ, sinh hoạt ngoại khóa… nhằm phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức tới toàn thể cán bộ, giáo viên phụ huynh, học sinh.
4. Tuyên truyền trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin hướng đến gia đình và trường học để khuyến khích và huy động trẻ em đến trường, tạo điều kiện hòa nhập cho những trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt dễ bị tổn thương, trẻ em gái là người dân tộc thiểu số, khuyết tật...
Phối hợp với các cơ quan, phương tiện truyền thông nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin và kiến thức về Bình đẳng giới; xóa bỏ định kiến giới, nâng cao nhận thức của ngành Giáo dục nói riêng và của toàn xã hội chung về vấn đề giới thông qua các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, câu lạc bộ liên quan đến bình đẳng giới; nhân rộng các mô hình tốt; kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến về bình đẳng giới trong đơn vị, cha mẹ học sinh và cộng đồng.
5. Tổ chức tập huấn về kỹ năng phân tích, đánh giá và lồng ghép giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cho cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ lập kế hoạch; tập huấn cho đội ngũ cốt cán làm công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới của ngành Giáo dục; Phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đưa nội dung về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới vào các khóa tập huấn nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình dòng họ và cộng đồng.
Tập huấn cho giáo viên phương pháp tích hợp giảng dạy về giới tính, giới, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và bình đẳng giới vào các môn Tự nhiên, Xã hội, Sinh học, Giáo dục công dân. Lồng ghép giáo dục phòng chống bạo lực trên cơ sở giới vào nội dung, chương trình giảng dạy trong nhà trường, nhất là đối với các môn Đạo đức, Giáo dục công dân. 
6. Xây dựng cơ chế phối hợp với BĐD hội CMHS, các cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương (Công an, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên) trong công tác phòng chống bạo lực học đường. Nghiên cứu đánh giá thực trạng bạo lực học đường trên cơ sở giới và nạn bắt nạt xảy ra trong trường học để đưa ra các khuyến nghị, giải pháp phù hợp. Ban hành quy định trường học an toàn, thân thiện, bình đẳng và phòng chống bạo lực học đường. Trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho học sinh. 
Giáo dục là một bộ phận cấu thành của hệ thống kinh tế-xã hội, sự phát triển giáo dục vừa bị chi phối, vừa có tác động qua lại với nhiều nhân tố khác như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ. Luật Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo được thực hiện góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đội ngũ nữ cán bộ giáo viên ngành Giáo dục đào tạo tỉnh Lâm Đồng luôn thể hiện quyết tâm giữ vững chất lượng giáo dục đào tạo, phát huy tính chủ động sáng tạo trong đổi mới giáo dục góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội tỉnh nhà và của đất nước.

Tin tức khác