Cô giáo trẻ yêu nghề bằng cả trái tim

07.08.2019 09:181148 đã xem

         Cô Cao Thị Yến, sinh năm 1988 tại vùng đất Diễn Châu, Nghệ An vùng đất khô cằn, nghèo khổ đã rèn cho cô nết chịu thương, chịu khó, vượt qua mọi hoàn cảnh, là con thứ 3 trong gia đình đông con, ba mất sớm nên khi còn trên ghế nhà trường, cô đã phải vừa học, vừa làm để phụ giúp mẹ nuôi các em. Sau khi tốt nghiệp, cô về công tác tại trường mầm non Ánh Hồng là một trường thuộc vùng sâu của huyện Bảo Lâm – tỉnh Lâm Đồng.

       Ngày mới về trường cô Cao Thị Yến được phân công phụ trách lớp tại điểm lẻ của trường cách trung tâm huyện khá xa, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, là vùng dân tộc nên 90% trẻ em ở đây không biết nhiều tiếng kinh. Lớp học tạm bợ, thiếu trước hụt sau, trong điều kiện thiếu thốn đó cô giáo mới không hề nản lòng, hằng ngày cô dậy từ 5h00 sáng để xách từng xô nước mang lên lớp cho trẻ sử dụng trong ngày. Lớp học chủ yếu là trẻ em dân tộc Mông, trẻ hay bỏ học, phụ huynh đến vụ mùa cà phê là cho trẻ lên lán chơi cùng mẹ. Để trẻ đến lớp không ít lần cô phải lặn lội, băng núi, tìm đến tận nhà để vận động học sinh ra lớp. Ở cái xứ đất đỏ bazan này, mùa mưa thì mưa thối đất, thối cát, mưa dầm dề, bùn lầy dính đầy bánh xe để vận động bé đến lớp, thế nhưng khi đến nơi thay vì nhận được sự ân cần tiếp đón của phụ huynh thì cô lại bị đuổi về và bị la té tát vì “tội” nhiều chuyện. Không phiền lòng, nản chí cô lại kiên nhẫn thuyết phục phụ huynh, hết một buổi tối cô cũng vận động được bé đến trường, có lẽ sự kiên trì và lòng chân thành của cô đã thuyết phục được họ. Thời đó chưa có điện, cô phải soạn bài bằng đèn dầu, làm trực quan trong ánh đèn dầu và cứ thế miệt mài năm tháng như con tằm nhả tơ. Trường lớp còn thiếu nhiều trang thiết bị, cô tự tay làm rất nhiều những đồ chơi cho trẻ hoạt động trong các góc chơi. Cô gom nhặt từng cái chai, từng cái ống hút cũ và nhiều vật dụng khác để làm đồ chơi cho trẻ. Với đồng lương ít ỏi, nhưng nhìn những mảnh đời khó khăn cô không ngần ngại trích lương để mua cho trẻ lúc thì cái khăn, cái áo rồi dăm ba cây kẹo cái bánh. Trẻ đến lớp lúc nào cũng có bánh kẹo mang về nhà. Cuộc sống quả là khó khăn với cô giáo trẻ, thế nhưng chưa bao giờ cô có ý nghĩ bỏ nghề, cô yêu trẻ nên yêu cả cái nghề gắn bó với cô cùng các trẻ vùng sâu, vùng khó khăn. Điều đáng ghi nhận ở cô giáo Cao Thị Yến là ý chí luôn biết khắc phục hoàn cảnh nên dù ở vai trò, nhiệm vụ nào cô cũng luôn hoàn thành bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết. Trong suốt thời gian công tác, cô đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho mình. Cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ của bậc học, ứng dụng nhạy bén kinh nghiệm lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giúp các cháu có ý thức hình thành nhân cách và kỹ năng tốt.

       Cô Cao Thị Yến luôn sống hòa nhã, giản dị, chân thành với bạn bè, đồng nghiệp, luôn lắng nghe góp ý, nhiệt tình tích cực trong các hoạt động phong trào của trường, của đoàn thanh niên phát động; Với những nổ lực cô đã đạt nhiều thành tích: giáo viên giỏi cấp trường năm học 2014- 2015; Giải khuyến khích hội thi E – learning cấp tỉnh năm 2014- 2015; Giải nhì hội thi E- learning cấp tỉnh năm học 2015 – 2016; Năm 2016 -2017 cô đạt kết quả tốt trong hội thi Nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp tỉnh; Năm 2017 – 2018  cô đạt GV giỏi cấp huyện; Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2 năm liền 2016 - 2017, 2017 - 2018.

       Với bề dày thành tích là kết quả tất yếu cho sự nỗ lực vượt khó của cô Cao Thị yến. Cô mãi là một tấm gương sáng về ý chí vượt khó, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương trẻ là một hình mẫu cho cô giáo mầm non của hôm nay và mai sau.

Phòng Giáo dục mầm non – Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng

Một số hình ảnh minh họa

Tin tức khác