50 năm, ngành Giáo dục Lâm Đồng thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14.08.2019 15:371890 đã xem

            Trong những ngày tháng Tám của mùa thu lịch sử, cùng với Đảng bộ,  nhân dân các dân tộc trong tỉnh và ngành Giáo dục cả nước, ngành Giáo dục Lâm Đồng chỉ đạo các nhà trường, các cơ sở GD tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đồng thời xây dựng và biểu dương những điển hình của ngành GDĐT về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Đây là dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại và thấm nhuần lời căn dặn tâm huyết cuối cùng của Lãnh tụ kính yêu trước lúc đi xa. Bản Di chúc bất hủ và vô cùng giản dị, có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả. Đó là lời dặn dò chan chứa nghĩa tình sâu nặng với Đảng, với nước, với dân.

Một trong những nội dung cơ bản, cốt lõi trong bản Di chúc đó là lời dặn của Người về thế hệ trẻ - về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.  Người nhấn mạnh: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng  hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

            Thực hiện lời căn dặn của Người, trong suốt 50 năm qua, Đảng ta, nhân dân ta luôn coi trọng sự nghiệp GDĐT, chăm lo đến việc “trồng người” “vì lợi ích trăm năm” của đất nước, của dân tộc; Đối với ngành GD thực hiện Di chúc của Người chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị thi đua dạy tốt và học tốt, tập trung chăm lo công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ để họ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Ngành Giáo dục Lâm Đồng luôn chú trọng và vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi nhà trường, mỗi CBQL, giáo viên, giảng viên, HSSV với tinh thần “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Những năm qua, để thực hiện bản Di chúc của Người, ngành Giáo dục Lâm Đồng tập trung vào những vấn đề sau:

            Một là, toàn ngành tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức sâu sắc về tư tưởng chính trị, đạo đức, ý nghĩa giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc của Di chúc;

            Hai là, quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; Xác định mục đích của giáo dục là chăm lo bồi dưỡng thế hệ cho cách mạng cho đời sau một cách toàn diện, bao gồm cả “đức, trí, thể, mỹ”; Trong đó đặc biệt chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”,  xử lý hài hòa cả 3 yếu tố: Dạy người, dạy chữ và dạy nghề; trong đó giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh được đặt lên hàng đầu.

Ba là, không ngừng đổi mới, chấn hưng nền giáo dục để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đang đặt ra cấp thiết. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu chúng ta phải sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Hiện nay, ngành GD-ĐT đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT chính là chúng ta đang thực hiện đúng di nguyện của Người đã nêu trong bản Di chúc.

            Bốn là, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn, chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc; Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh; Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia.

            Năm là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý. Chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy.

            Sáu là, điều chỉnh, quy hoạch lại mạng lưới phát triển trường, lớp; củng cố và tăng cường CSVC- trang thiết bị dạy và học. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục.

            Bảy là, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động ở tất cả các đơn vị, trường học trong đó cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, thi đua thực hiện tốt Năm điều Bác Hồ dạy và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nhận thức, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ các năm học đồng thời đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, đi vào chiều sâu, tạo niềm tin và sức lan tỏa trong các đơn vị trường học, các cơ quan QLGD, các nhà giáo, CBQL GD và HSSV toàn ngành.   

            Lời căn dặn của Người "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt” đã trở thành mục tiêu phấn đấu, để ngành Giáo dục Lâm Đồng vượt qua khó khăn, thử thách, giành được những kết quả rất đáng tự hào trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

            Thành tựu nổi bật của ngành GDĐT Lâm Đồng trong 50 năm qua và nhất là trong hơn 30 năm đổi mới đó là sự nghiệp giáo dục – đào tạo luôn ổn định, phát triển, đạt được những tiến bộ mới, toàn diện. Ngành GDĐT đã góp phần chủ yếu vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương và đất nước.

            Trước hết, đó là quy mô GD tiếp tục được phát triển, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc có thêm điều kiện và cơ hội học tập. Năm 1976 – năm đầu của nền GD cách mạng: toàn ngành có 172 trường, 71.745 HSSV; 2.597 CBQL, GV, NV; đến năm 2019 có 713 đơn vị, trường học; 324.989 HSSV, 22.238 CBQL, GV, NV.

          Thứ hai, chất lượng, hiệu quả GD nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất; chất lượng giáo dục các cấp học, ngành học đạt kết quả khá tốt. Các hoạt động đổi mới phương pháp dạy và học, áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến được tích cực triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong dạy  - học và quản lý; Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non đạt kết quả tốt; tỷ lệ xếp loại học lực của học sinh phổ thông loại khá, giỏi tăng, tỷ lệ học sinh có học lực yếu giảm; tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong 5 năm qua ổn định ở mức khá cao (trên mặt bằng chung của cả nước); Học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh tăng về số lượng và chất lượng so với năm trước. Có nhiều trường THPT có tỷ lệ học sinh đỗ đại học đứng trong tốp 50, 100 và 200 trong tổng số các trường THPT của cả nước. Trong những năm qua, đã có hàng ngàn lượt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đem vinh quang về cho ngành GD Lâm Đồng. Tại các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (INTEL ISEF) được tổ chức tại Hoa Kỳ, HS của tỉnh Lâm Đồng trong Đoàn HS Việt Nam tham dự và đoạt giải: Năm 2016, có 2 HS Nguyễn Thu Minh Châu, Hoàng Lữ Đức Chính, Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, đoạt giải Ba thuộc các lĩnh vực, Sinh học tế bào và phân tử . Năm 2017, HS Trần Thị Anh Thư, HS Trường THPT Chuyên Bảo Lộc đoạt giải Tư. Năm 2018,  03 HS Đào Lê Minh Nhật, Thái Minh Long và Trần Kim Hương, Trường THPT Chuyên Thăng Long đoạt chức vô địch Cuộc thi “Giải quyết tình huống kinh doanh” lớn nhất thế giới dành cho HS THPT; Năm 2018: 02 HS Võ Đăng Nguyên, Nguyễn Hữu Đức Duy, Trường THPT Chuyên Thăng Long đoạt giải Ba cuộc thi Olympic Vật lý của Pháp và cũng tại Cuộc thi này, trong năm 2019, có 04 HS Võ Đăng Nguyên, Lê Thị Bình, Mai Bảo Trân và Phạm Thị Ngọc Lan, Trường THPT Thăng Long – Đà Lạt đoạt giải Ba. Năm 2018, HS Dương Quốc Hưng, Trường THPT Thăng Long – Đà Lạt đoạt Huy Chương Đồng Cuộc thi Tin học Châu Á.  

            Một trong những thành tựu nổi bật và quan trọng của ngành trong hơn 30 năm đổi mới là hoàn thành công tác CMC-PCGD tiểu học (Lâm Đồng là tỉnh thứ 25 của cả nước, tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn tháng 4/1997); Tỉnh được công nhận PCGD Tiểu học đúng độ tuổi (tháng 12/2007) và tiếp tục được công nhận duy trì vào tháng 12/2011. Lâm Đồng đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (tháng 12/2008). Tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2014. Hiện nay, Lâm Đồng vẫn giữ vững và nâng cao chất lượng PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS và PCGD MN cho trẻ 5 tuổi.

Thứ ba, giáo dục vùng dân tộc và địa bàn khó khăn có nhiều tiến bộ, khởi sắc. Chất lượng từng bước được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền trong tỉnh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú phát triển. Công bằng xã hội trong giáo dục được quan tâm, bảo đảm tốt hơn, nhất là đối với con em dân tộc thiểu số, hộ nghèo và các đối tượng bị thiệt thòi.

            Thứ tư, đội ngũ nhà giáo, CBQL được quan tâm, chăm lo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ được thực hiện khá tốt, cơ bản đủ số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên cả về phẩm chất đạo đức, chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tiếp tục tăng . Công tác giáo dục chính trị tư tưởng và phát triển Đảng trong ngành theo Chỉ thị số 34/CTTW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị để có đội ngũ “ Hồng thắm – Chuyên sâu” ngày càng đạt kết quả tốt. Nhiều thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp, nhân viên được kết nạp Đảng; hầu hết các cơ sở giáo dục đều có tổ chức cơ sở Đảng (tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành hiện nay là hơn 40%).

            Thứ năm, CSVC- kỹ thuật phục vụ dạy và học được tăng cường, trường lớp ngày càng khang trang; Hàng năm, ngân sách chi cho giáo dục chiếm từ 22% đến 28% trong tổng chi ngân sách của tỉnh. Tỷ lệ phòng học kiên cố hàng năm tăng đáng kể. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, huy động được nhiều nguồn lực cho sự nghiệp GDĐT; Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư gắn với việc xây dựng nông thôn mới của các huyện, thành phố (hiện có  398/636 trường MN, PT công lập đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 62,57%. Ngành tập trung hoàn thành chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa X đề ra: từ 75% - 78% trường công lập đạt chuẩn quốc gia). 

            Thứ sáu, công tác QLGD có nhiều đổi mới, có tính đột phá và chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường QLNN về giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, bám sát cơ sở để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Kiểm định chất lượng được đẩy mạnh. Kỷ cương, nền nếp toàn ngành được duy trì. Các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình mục tiêu được triển khai tích cực, đạt kết quả tốt.  

            Thứ bảy, công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các cuộc vận động và phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ sở giáo dục, góp phần tạo ra động lực trong công tác quản lý và giảng dạy đồng thời tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ nhà giáo, CBQL và toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục. Trong phong trào thi đua, có nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến - những gương sáng của ngành, kể cả địa bàn vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

            50 năm qua, với nỗ lực không ngừng vươn lên, Sở GDĐT Lâm Đồng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba, các Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Có nhiều tập thể, cá nhân trong toàn ngành được khen thưởng cấp Nhà nước và được tặng các danh hiệu thi đua: Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc (3), Nhà giáo Ưu tú (26). Đã có hàng ngàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được vinh danh, được Bộ GDĐT, UBND tỉnh  khen thưởng.

            Đạt được những thành tựu như trên đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm chăm lo của Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp Ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường, các lực lượng xã hội, cha mẹ học sinh đã quyết định sự thành công của sự nghiệp GDĐT Lâm Đồng. Đó là sự nỗ lực quyết tâm của các thế hệ nhà giáo, CBQL, nhân viên trong ngành với lòng yêu nước, yêu người, yêu nghề, ý thức trách nhiệm “Tất cả vì học sinh thân yêu” và sự quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục, vượt qua nhiều khó khăn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người. Đó là sự phấn đấu, quyết tâm học tập tốt, rèn luyện tốt của học sinh, sinh viên.

            Hiện nay, cùng với cả nước, ngành GD Lâm Đồng đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc quán triệt, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Chính phủ, Bộ GDĐT, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là tập trung triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, thực hiện chương trình GDPT mới, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng.

            Mục tiêu tổng quát của ngành Giáo dục Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là “Đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập”.

            Những mục tiêu của sự nghiệp GDĐT là rất lớn lao và cao cả. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đề ra, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu  theo Chương trình hành động số 74-CT/TU ngày 11/02/2014 của Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

            Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suy ngẫm về những lời căn dặn của Người, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lớn lao của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, càng thêm yêu nghề dạy học; Lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu một lần nữa nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của các nhà giáo, CBQL và các em học sinh, sinh viên đối với tương lai của đất nước, đồng thời càng bồi đắp thêm nghị lực và quyết tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu đẹp. 

 

Đặng Trọng Giang – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

đánh trống khai giảng năm học 2018 – 2019  tại Trường THPT Chuyên Thăng Long

Đồng chí Đoàn Văn Việt – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng (thứ 7 từ trái qua) trao tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh cho các em học sinh được tuyên dương

 

Đồng chí Trần Đức Quận – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh 
và Đồng chí Đàm Thị Kinh – Giám đốc Sở GDĐT trao Bằng khen và vòng nguyệt quế cho các em học sinh

Năm 2016, Dự án “Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư của kháng thể kháng nhân” của HS Nguyễn Thu Minh Châu, Hoàng Lữ Đức Chính (Trường THPT Chuyên Thăng Long- Đà Lạt- Lâm Đồng). Đoạt giải Ba thuộc các lĩnh vực, Sinh học tế bào và phân tử.

Năm 2017, Dự án “Phần mềm hỗ trợ hóa học tích hợp công nghệ AR trên Android” của HS Trần Thị Anh Thư - Học sinh Trường THPT Chuyên Bảo Lộc đoạt giải Tư năm 2017

Tin tức khác