Giáo dục nhân cách cho học sinh thông qua lao động là việc làm hết sức cần thiết

01.11.201815842 đã xem
Tùy từng lứa tuổi, trong từng thời kỳ, học sinh được giáo dục lao động qua các hoạt động giúp dân gặt lúa, chống hạn, bắt sâu, làm phân xanh. Nhà trường tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề thủ công, làm gạch.

Tùy từng lứa tuổi, trong từng thời kỳ, học sinh được giáo dục lao động qua các hoạt động giúp dân gặt lúa, chống hạn, bắt sâu, làm phân xanh. Nhà trường tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề thủ công, làm gạch. Nhiều trường có vườn trường, xưởng trường, có đồi cây, có ruộng nương… Nhiều trường kết nghĩa với Hợp tác xã nông nghiệp, Nông trường để thực hiện giáo dục lao động. Trong chiến tranh, thày trò tự dựng trường lớp, tự đào hầm hào… Cùng với mô hình trường phổ thông, có mô hình Trường thanh niên lao động, Trường Phổ thông vừa học vừa làm…

     Ngày 01/12/1970, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 237-TTg xác định rõ yêu cầu, nội dung và cách thức quản lý giáo dục lao động sản xuất. Đầu năm 1971, Bộ Giáo dục xác định ba hoạt động giáo dục cơ bản của nhà trường là Dạy và học, Lao động sản xuất và Hoạt động xã hội – đoàn thể. Kết quả giáo dục của học sinh được đánh giá theo 4 mặt: Đạo đức – Học tập – Lao động và Rèn luyện thân thể.

      Với sự chỉ đạo và các biện pháp hoạt động thực tế nói trên, phương châm giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục lao động đã đạt được những kết quả quan trọng. 
 
Trong các gia đình, hầu như mọi học sinh phải tham gia lao động, từ lao động phục vụ sinh hoạt bản thân và gia đình đến lao động sản xuất đảm bảo đời sống. Bởi thế, tại gia đình, học sinh được giáo dục lao động khá thường xuyên, góp phần giáo dục toàn diện cùng nhà trường.

Khoảng mươi, mười lăm năm gần đây, việc giáo dục lao động đối với học sinh các cấp giảm hẳn đi, do nhiều nguyên nhân. Yêu cầu về giáo dục lao động không còn được chú trọng, thậm chí bị coi nhẹ. Áp lực bài vở và thi cử khá nặng nề. Các hình thức lao động trước đây không còn phù hợp nhưng chưa tìm ra hình thức giáo dục lao động mới, thích hợp. Đời sống các gia đình, nhất là ở thị trấn và thành phố đã nâng lên đáng kể, sinh ít con, hầu hết trẻ em không phải và không được lao động như trước đây. Đời sống ở nông thôn cũng đã rất khác xưa. Ở vùng cao, một số trẻ em ăn ở bán trú tại trường từ tiểu học, nhất là từ THCS và THPT, dẫn đến các em học sinh bị tách khỏi môi trường giáo dục lao động ở gia đình… Những nguyên nhân trên làm cho việc giáo dục lao động đối với trẻ em bị hạn chế rất nhiều, tạo nên những yếu kém về ý thức - kỹ năng lao động và kỹ năng sống, kéo theo những hệ quả yếu kém khác, tạo nên sự thiếu hụt nghiêm trọng về chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ. Có phụ huynh ở vùng cao phàn nàn với thầy giáo: “Con mình đi học, ở nội trú, về nhà lười lắm, chẳng biết làm gì cả!”. Một cô giáo ở thành phố Hưng Yên kể: “Học sinh mười bảy mười tám tuổi mà cầm cái chổi rất lóng ngóng” Hay "Cháu năm nay học cấp 2 rồi mà chẳng biết làm việc gì phụ giúp bố, mẹ cả". Có thể kể ra nhiều dẫn chứng về sự thiếu hụt ý thức lao động, kỹ năng lao động của học sinh hiện nay. Hình ảnh “lộc ngộc như gà công nghiệp” là nỗi băn khoăn của xã hội khi nói về không ít học sinh hiện nay.

Bởi vậy, giáo dục hiện nay rất cần khôi phục và tăng cường nội dung, biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh tất cả các bậc học, tùy theo độ tuổi.

Chúng ta đang thực hiện "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo", chú trọng “giáo dục năng lực và phẩm chất” của học sinh. Chúng ta đang nói nhiều đến “giáo dục kỹ năng sống”. Giáo dục lao động là nội dung và biện pháp quan trọng để giáo dục năng lực và phẩm chất, là phương thức quan trọng để rèn luyện kỹ năng sống. Trong các yếu tố của phương châm, phương pháp tích hợp, giáo dục lao động là yếu tố nội dung, là phương pháp, phương tiện quan trọng để thực hiện giáo dục tích hợp.

      Trước hết, cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của giáo dục lao động. Giáo dục lao động cần được nêu đậm nét và cụ thể hóa trong kế hoạch, trong chương trình hành động của nhà trường, của nhà giáo và trong nhiệm vụ của học sinh.

Trong các hoạt động trải nghiệm, thì trải nghiệm lao động là rất quan trọng. Trong các yếu tố của mục tiêu học sinh cần đạt đến có yếu tố nhận thức và kỹ năng lao động.

      Học sinh các cấp học, ở thành thị hay nông thôn, đều cần được giáo dục lao động. Các trường bán trú vùng cao càng cần tổ chức cho học sinh được lao động, để các em được rèn luyện và tự cải thiện đời sống. Giáo dục lao động khó định hình hơn so với dạy và học các bộ môn, bởi vậy, cần sự suy nghĩ tìm tòi của người quản lý, của nhà trường và của các nhà giáo, sao cho trẻ em được giáo dục lao động. Cần tổ chức sao cho tất cả học sinh được giáo dục lao động thường xuyên và đạt hiệu quả cả về nhận thức, kỹ năng và kết quả vật chất. Nếu chỉ có một vài hoạt động dành cho một số học sinh thì sẽ chỉ là trình diễn hình thức. Không nên làm theo dự án tài trợ nhất thời nào đó, kết thúc dự án là kết thúc luôn công việc.

       Trên thực tế, đã và đang có một số trường làm tốt nội dung giáo dục lao động. Đó là trường Tiểu học Sán Chải huyện Si Ma Cai với mô hình “Trường nông trại”, học sinh trồng rau, nuôi lợn, nuôi ngan. Đó là Trường Dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà, với mô hình “Trường học gắn với trồng trọt và chăn nuôi”, giáo viên cùng học sinh trồng mận, trồng rau, nuôi lợn theo kỹ thuật. Đó là Trường THPT số 3 Bảo Thắng có mô hình “Trường học sinh thái”, thày trò trồng rau, trồng hoa, trồng nấm sò, nấm rơm, trồng bưởi và thanh long… Dù quy mô còn nhỏ, nhưng các mô hình trên đều có tác dụng giáo dục nhận thức, kiến thức kỹ thuật, kỹ năng lao động và có hiệu quả vật chất. Các mô hình trên rất cần được mở rộng quy mô, nhân rộng ra các trường, duy trì và phát huy hiệu quả rõ rệt.

       Hội Khuyến học Bảo Yên đã hỗ trợ 2 trường bán trú Kim Sơn và Tân Tiến một khoản tiền vốn để gây dựng chăn nuôi và trồng trọt, với yêu cầu giáo dục lao động, sản xuất cải thiện đời sống và duy trì được vốn để phát triển lâu dài. Cánh làm này được nhân rộng ở 12 trường của huyện Bảo Yên trong năm học này.

      Các trường vùng nông thôn có nhiều lợi thế trong việc thực hiện nội dung giáo dục lao động cho học sinh. Các trường ở thị trấn và thành phố khó khăn hơn trong việc tổ chức thực hiện nội dung này. Dẫu thuận lợi hay khó khăn, nếu tâm huyết vì sự phát triển năng lực, phẩm chất và kỹ năng sống cho học sinh, thì sẽ tìm tòi sáng tạo và thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

Tin tức khác