Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

20.01.2022 15:173736 đã xem

     Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định bình đẳng dân tộc ở Việt Nam là sự khẳng định vị trí, vai trò của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các quyền sống, tự do, hạnh phúc và phát triển được thể hiện trên các mặt của đời sống. Bình đẳng dân tộc gắn liền với đại đoàn kết toàn dân tộc; Đảng, Nhà nước là chủ thể trong việc xác lập và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc; giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là sự bảo đảm vững chắc nhất cho bình đẳng giữa các dân tộc. Đây là kim chỉ nam, cơ sở lý luận trực tiếp để Đảng và Nhà nước ta có những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời trong việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Luật Giáo dục 2019 đã cụ thể hóa quan điểm đó: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

     Lâm Đồng là miền đất hội tụ nhiều dân tộc anh, em trong cả nước với trên 40 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống, trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm khoảng 77%, đến nguời K'Ho chiếm 12%, Mạ chiếm 2,5%, Nùng chiếm gần 2%, Tày chiếm 2%, Hoa chiếm 1,5%, Chu-ru 1,5% ..., còn lại các dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1% sống ... Năm học 2021-2022, tỉnh Lâm Đồng có 673 trường mầm non và phổ thông với 26,7% dân tộc thiểu số, trong đó: Mầm non có 231 trường (25,38% DTTS), Tiểu học có 226 trường (29,10% DTTS), THCS157 (25,66% DTTS), THPT 59 trường (18,87% DTTS), (có 09 trường PTDTNT: 01 THPT, 07 THCS và 01 THCS-THPT). 

     Ngành giáo dục Lâm Đồng thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hành đầu”, “Giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Lâm Đồng luôn quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương. Là một tỉnh có đông học sinh DTTS, nên trong những năm qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS trên địa bàn.

     Kết quả chất lượng giáo dục học sinh DTTS năm học 2020-2021:

     *Cấp Tiểu học: hoàn thành chương trình: 36.115/38.110, tỷ lệ: 94,76%. Hoàn thành chương trình tiểu học (lớp 5): 6.531/6.531, tỷ lệ: 100%; cấp THCS: tổng số: 21.815 học sinh dân tộc thiểu số, hạnh kiểm: tốt: 15.987, tỷ lệ: 73,28%; khá: 5136, tỷ lệ: 23,54%; trung bình: 683, tỷ lệ: 3,13%; yếu: 09, tỷ lệ: 0,04%, học lực: giỏi: 2394, tỷ lệ: 10,97%; khá: 8158, tỷ lệ: 37,40%; trung bình: 10470, tỷ lệ: 47,99%; yếu: 677, tỷ lệ: 3,1%; kém: 16, tỷ lệ: 0,07%.

     * Cấp THPT: tổng số: 7569 học sinh dân tộc thiểu số. Hạnh kiểm: tốt: 5620, tỷ lệ: 74,25%; khá: 1824, tỷ lệ: 24,1%; trung bình: 124; tỷ lệ: 1,63%; yếu: 01, tỷ lệ: 0,01%. Học lực: giỏi: 544, tỷ lệ: 7,19%; khá: 3195, tỷ lệ: 42,21%; trung bình: 3147, tỷ lệ: 41,58%; yếu: 667, tỷ lệ: 8,81%; kém: 16, tỷ lệ: 0,21%.

     Trong những năm gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh dân tộc thiểu số đạt mặt bằng chung của tỉnh. Năm học 2020-2021, tỷ lệ 99,39%. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 494/607 trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 81,38%. Trong đó: có 08/09 trường phổ thông DTNT đạt trường chuẩn quốc gia. Chất lượng phổ cập giáo dục được duy trì, phát triển ổn định. Duy trì đạt chuẩn phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi. Phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3. Phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 1, xóa mù chữ đạt mức độ 2.

     Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục dân tộc vùng đồng bào DTTS, nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân, như do địa bàn rộng, dân cư phân tán, vùng DTTS còn nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép mầm non, tiểu học, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dạy học.

          Ngoài ra, tỷ lệ huy động trẻ DTTS độ tuổi nhà trẻ ra lớp còn thấp, chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ độ tuổi nhà trẻ, chuyên cần của học sinh DTTS cấp trung học cơ sở nhiều nơi còn hạn chế.

          Nhiều giáo viên công tác vùng DTTS chưa biết tiếng DTTS tại chỗ, ít am hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh của các cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống của đại bộ phận đồng bào DTTS còn khó khăn, cho nên điều kiện để chăm lo cho học tập của học sinh hạn chế...

          Từ thực trạng trên đây, để giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số hiện nay cần chú ý tập trung những vấn đề sau:

       Một là, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm các cấp ủy đảng, các ngành, chính quyền và các lực lượng xã hội trong việc nâng cao chất lượng học sinh DTTS; tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, hạn chế học sinh nghỉ học bỏ học; tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trách nhiệm công dân cho học sinh, đặc biệt là học sinh DTTS.

          Hai là, thực hiện rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp từ mầm non, phổ thông đến chuyên nghiệp hợp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh các cơ sở giáo dục vùng DTTS, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, đào tạo của con em các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt con em đồng bào DTTS.

       Ba là, chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo; ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cho các cơ sở giáo dục vùng DTTS, các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

          Bốn là, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án…phát triển giáo dục vùng DTTS, miền núi; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phát huy năng lực, sáng tạo, tự học, vận dụng vào thực tiễn của người học, phù hợp đối tượng học sinh; tăng thời lượng dạy học, tổ chức hiệu quả việc dạy 2 buổi/ngày, dạy bồi dưỡng, dạy phụ đạo đối với học sinh DTTS.

          Năm là, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí cho học sinh, tạo môi trường thân thiện, vui tươi, phấn khởi trong nhà trường; tổ chức tốt các phong trào thi đua trong toàn ngành; chú trọng tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho phát triển giáo dục vùng DTTS và học sinh DTTS có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục ở các cơ sở giáo dục vùng DTTS, nâng cao chất lượng học sinh DTTS.

          Sáu là, triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo và trẻ em, học sinh các cấp; tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các chính chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh.

Phòng Tổ chức hành chính Sở Giáo dục Đào tạo

 

                          Giờ học của học sinh trường THPT Đạ Tông

          Hoạt động TDTT của học sinh trường PTDTNT-THCS huyện Lạc Dương

                        Sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trường MN ĐạMrông, huyện Đam Rông

                                   Tiết sinh dạy sinh hoạt chuyên đề của trường THCS Liêng Trang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                           

 

 

 

Tiết học của học sinh trường PTDTNT-Liên huyện phía Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                     

 

 

 

Giờ học GDQPAN ở trường THCS-THPT Lộc Bắc

Tin tức khác