Khi Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc

23.09.2022 10:32746 đã xem

     Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bắt đầu áp dụng đối với trung học phổ thông và năm thứ 2 đối với trung học cơ sở, năm thứ 3 đối với tiểu học. Theo tinh thần giáo dục đổi mới, phát huy năng lực của học sinh, Giáo dục thể chất (GDTC) trở thành môn học bắt buộc đòi hỏi nhiều điều kiện đáp ứng mới.

 

Đại hội thể thao ngành GDĐT Lâm Đồng năm 2022.

      Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản về GDTC, hoạt động thể thao và y tế trường học. Đơn cử, Thông tư số 48 ngày 31/12/2020 của Bộ GDĐT quy định về hoạt động thể thao trong nhà trường hay Kế hoạch số 8851 ngày 03/12/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng...; Chỉ thị số 04 ngày 05/9/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Thực hiện tốt chương trình GDTC, đẩy mạnh các hoạt động tập luyện thể dục thể thao, công tác y tế trường học; phát động phong trào học bơi và hướng dẫn phòng, chống đuối nước, tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh, sinh viên”.

 

Năm học 2022-2023, trên cơ sở Công văn 4268 của Bộ GDĐT, ngày 09/9/2022, Sở GDĐT Lâm Đồng ban hành Công văn 1911 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTC, hoạt động thể thao và y tế trường học. Đối với GDTC, hoạt động thể thao trong năm học mới, Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Đức Lợi nêu 7 nhóm vấn đề.,trong đó, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Bộ GDĐT như: Thông tư 48/2020 và Quyết định số 53/2008; Kế hoạch 2106 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Bố trí thời gian hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng giờ học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và cách đánh giá, tạo hứng thú, yêu thích môn học, không gây áp lực cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các chương trình, dự án. Tổ chức các hoạt động thể thao gắn với nội dung môn học GDTC, đa dạng hóa các hình thức vận động. Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp dạy và học cho đội ngũ giáo viên GDTC. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị dành cho GDTC, hoạt động thể thao... Và cuối cùng là tăng cường công tác xã hội hóa nhằm phát triển phong trào thể thao trường học. 

      Khi GDTC là môn bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, rất cần nhận thức đầy đủ không chỉ trong ngành Giáo dục mà cả gia đình và xã hội để thấy vai trò quan trọng của môn học này trong hệ thống giáo dục. Đã đến lúc cần hiểu GDTC không phải là bộ môn thể dục. Nghĩa là không chỉ là môn dạy học sinh xếp hàng, đội hình, đội ngũ, mà còn là bộ môn chuyên biệt, dạy học vận động và phát triển có chủ đích các tố chất của con người. GDTC một yếu tố không thể thiếu trong các yếu tố: đức, trí, thể, mĩ nhằm phát triển con người cân đối, toàn diện. Trong Chương trình GDPT 2018, môn GDTC được chia thành hai giai đoạn, gồm: Giáo dục cơ bản nhằm hướng dẫn học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện thể thao; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Giai đoạn này, học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Giai đoạn tiếp theo là giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn GDTC được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao. Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình. 

      Vì vậy, cần phải xem GDTC không còn là “môn phụ”. Chương trình GDPT mới, thời lượng môn GDTC ở mỗi lớp 70 tiết/năm học, phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Học sinh được học GDTC với phương pháp mới. Môn GDTC cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện của học sinh. 

 

Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu như Chương trình GDPT mới, việc triển khai GDTC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện còn rất nhiều khó khăn. Trong đó, đội ngũ giáo viên chuyên sâu cần được đào tạo, bồi dưỡng. Đặc biệt, cơ sở vật chất, sân bãi hiện chưa đáp ứng chương trình như thiếu nhà đa chức năng, sân bãi dạy và học GDTC...

 

Dự kiến, năm học 2022-2023, ngành GDĐT Lâm Đồng sẽ tổ chức các hoạt động thể thao: Giải Bơi học sinh phổ thông tỉnh Lâm Đồng (tháng 5/2023), Giải Điền kinh học sinh tỉnh Lâm Đồng (tháng 3/2023), Giải Karate học sinh tỉnh Lâm Đồng (tháng 4/2023). Các hoạt động thể thao phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch như các giải của học sinh về: bóng bàn, Vovinam, Taekwondo, võ cổ truyền, bóng đá U11 và U13, bơi, Aerobic, cầu lông, cờ vua (từ tháng 2-12/2023). Tham gia các giải thể thao học sinh toàn quốc như: điền kinh, bơi, Vovinam, cầu lông, cờ vua, bóng đá, chạy (từ tháng 3-9/2023). Hội thi Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc vào tháng 10/2023. 

 

MINH ĐẠO

http://baolamdong.vn/xahoi/202209/khi-giao-duc-the-chat-la-mon-hoc-bat-buoc-3136202/

Tin tức khác