“Vua sáng kiến” của giáo dục STEM ở Lâm Đồng

06.06.2022 14:512230 đã xem

     Thầy giáo Nguyễn Tấn Phong, Trường THCS Đồng Nai, huyện Cát Tiên không chỉ được biết đến với danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” hay các giải thưởng cao quý, mà hơn thế nữa, thầy được biết đến là “Vua sáng kiến” của giáo dục STEM ở Lâm Đồng với niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ.

Thầy giáo Nguyễn Tấn Phong được gọi là “Vua sáng kiến” của giáo dục STEM ở Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

     Được sự giới thiệu của Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, từ thành phố Đà Lạt xuôi về hướng Tây Nam, vượt hơn 200 cây số đường đèo, chúng tôi đến huyện Cát Tiên – vùng “lòng chảo” ven sông Đồng Nai, tiếp giáp với tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai; cảm giác háo hức, mong chờ được gặp người thầy mà theo lời chia sẻ của một cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh là “yêu nghề - sáng tạo – vua sáng kiến” của giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở Lâm Đồng.

Từ trăn trở với giáo dục ở vùng khó khăn

     Cả tuổi thơ gắn bó với cái nắng, cái nóng và những trận lũ lụt cục bộ của vùng quê nghèo Cát Tiên, hơn ai hết thầy giáo Nguyễn Tấn Phong hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn từ cuộc sống của người dân. Thầy Phong cũng thấu hiểu hơn sự thiệt thòi của các em học sinh nơi đây, khi mà cơ hội được tiếp cận với khoa học, công nghệ, kỹ thuật mới rất hiếm hoi, nhất là thời điểm thầy Phong mới ra trường, quyết định về lại quê hương mình dạy học, cách đây đã ngót 20 năm.

     “Kiến thức thì em đã được trang bị từ giảng đường sư phạm nhưng khi bắt tay vào nghề mới thấy biết bao khó khăn. Cơ sở vật chất thì thiếu thốn, cả trường chỉ có vài ba cái máy vi tính cũ, cấu hình thấp, chủ yếu là dùng để dạy soạn thảo văn bản, học sinh cũng thấy xa lạ với môn Tin học, còn phụ huynh thì hầu như chưa biết đến công nghệ thông tin là gì” – thầy giáo Nguyễn Tấn Phong trải lòng.

     Không bỏ cuộc, thầy giáo trẻ Nguyễn Tấn Phong ngày ấy luôn trăn trở làm thế nào để các em học sinh yêu thích môn Tin học và học tốt môn học mới này. Là người được đào tạo bài bản, thầy Phong hiểu rằng đây là môn học kết hợp giữa kiến thức toán học, khoa học và kỹ thuật, là con đường ngắn nhất để học sinh vùng quê nghèo có thể sớm hoà nhập với các em ở mọi miền và cũng là cánh cửa mở ra cho các em có những sáng kiến, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật vào cuộc sống.

Thầy Nguyễn Tấn Phong với các giờ dạy STEM thu hút học sinh. (Ảnh: NVCC)

     Đem những suy nghĩ, trăn trở và cả những dự định ấp ủ của người giáo viên trẻ chia sẻ, đề xuất với Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường nhưng dường như là chưa đủ. Thầy Phong đã tìm con đường riêng cho mình, mà đến tận bây giờ thầy luôn cảm thấy tự hào với bản thân vì đã lựa chọn đúng.

“Phải bắt đầu từ chuyên môn, dựa vào chuyên môn và đi lên từ chuyên môn”, tâm niệm như vậy nên thầy Phong tập trung vào nghiên cứu nội dung, chương trình môn Tin học ở bậc THCS để điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với trình độ của học sinh và điều kiện, trang thiết bị dạy học của nhà trường.

     Thầy giáo Tống Văn Thiệp – Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Nai cho biết, từ những kiến thức Tin học khô khan thầy Phong đã khéo léo chuyển tải qua những tiết học sinh động, gần gũi với học sinh. Cứ như thế, bền bỉ, kiên nhẫn và sáng tạo, thầy Phong đã truyền cảm hứng để học sinh dần yêu thích môn học này.

“Không chỉ được học sinh yêu quý, kính trọng, thầy Phong còn dần khẳng định mình qua chuyên môn giảng dạy, được tập thể giáo viên và Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng, giao đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là việc bồi dưỡng học sinh giỏi và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học” – thầy Thiệp tự hào nói về đồng nghiệp.

Thầy Phong luôn mong muốn học sinh vùng quê nghèo có thể sớm hoà nhập với các học sinh ở mọi miền đất nước về khoa học công nghệ. Ảnh: NVCC

Đến sáng tạo để phục vụ chuyên môn

     Không cho phép mình dừng lại sau mỗi kết quả, thành công đã đạt được, mà hơn thế, thầy giáo Nguyễn Tấn Phong luôn đau đáu khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật cho các em học sinh vùng quê nghèo. Muốn vậy, trước hết giáo viên phải là người tiên phong, làm gương cho các em. Chính bởi suy nghĩ ấy, thầy Phong đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để thiết kế và sản xuất các mô hình, thiết bị mới, vừa là để phục vụ công tác giảng dạy hiệu quả hơn, vừa là để ứng dụng vào đời sống.

“Nếu không có sự động viên của tập thể thầy cô giáo cùng các em học sinh, chắc có lẽ em đã bỏ cuộc” – thầy giáo Nguyễn Tấn Phong nói.

     Tôi hiểu rằng, đây là sự khiêm nhường của người thầy vốn được đồng nghiệp nhận xét là khá khiêm tốn. Bởi theo lời thầy Phong, để đến được với thành công của 3 bộ tài liệu liên quan đến kiến thức lập trình hệ thống, lập trình vi xử lí, lập trình kéo thả Scratch, 3 mạch mở rộng cho vi xứ lí Microbit, 14 sáng kiến, giải pháp đã được áp dụng hiệu quả ở cấp huyện, cấp tỉnh, toàn quốc và nhiều giải thưởng danh giá của cả thầy và trò. Con đường ấy đã lấy đi biết bao mồ hôi, công sức, thời gian và không ít lần thất vọng khi thử nghiệm thất bại.

Niềm đam mê, sáng tạo trong từng tiết học STEM của thầy và trò Trường THCS Cát Tiên. Ảnh: NVCC

     Đơn cử như khi nghiên cứu bộ mạch vi xử lý Micro:bit đang được sử dụng trong bộ đồ dùng dạy học của các trường THCS, thì nhà sản xuất vi xử lý, chỉ sản xuất có 20 chân vào/ra (viết tắt I/O), kí hiệu từ P1 đến P20. Trong đó có 5 chân là P0, P1, P2, 3V và GND là có thể kết nối bằng kẹp cá sấu mini được. Các chân còn lại phải được kết nối thông qua khe cắm chân mở rộng do người dùng tự phát triển.

     Cùng với đó, các mạch mở rộng chân cho Micro:bit đang có trên thị trường hiện nay, hầu hết là các mạch thiết kế và sản xuất công nghiệp ở các nhà máy; có giá thành cao, mang tính độc quyền và thương mại, không có tính mở rộng và phát triển cho giáo dục đại trà ở phổ thông, chỉ phù hợp cho giáo viên am hiểu về kỹ thuật điện tử, điều này gây ra những khó khăn cho nhiều giáo viên dạy Tin học.

Sáng kiến Thiết kế mạch mở rộng cho bộ vi xử lý Micro:bit của thầy Nguyễn Tấn Phong đã hỗ trợ giáo viên ở huyện Cát Tiên triển khai dạy học STEM phù hợp với học sinh vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: NVCC)

     Quá trình nghiên cứu, tìm tòi, thầy Phong đã thiết kế và sản xuất thành công mạch mở rộng Micro:bit để phát triển dự án là sản phẩm mang đặc thù riêng và độc quyền của người dùng, có nghĩa là phụ thuộc vào từng nhu cầu dự án mà các mạch mở rộng chân Micro:bit sẽ khác nhau một phần hoặc khác nhau hoàn toàn. Điều này rất phù hợp cho giáo viên phát triển theo yêu cầu riêng của nội dung chủ đề hay bài học STEM, dễ dàng sử dụng trong và ngoài lớp học để học sinh chủ động học tập.

     Điều đáng quan tâm nữa là mạch mở rộng này hoàn toàn sử dụng các modun linh kiện sẵn có, dễ mua trên thị trường, dễ dàng tiếp cận, tận dụng các vật liệu rác thải điện và điện tử, tự gia công bằng kĩ thuật hàn tay đơn giản hoặc có thể sản xuất công nghiệp bằng kỹ thuật láp ráp mô đun điện tử tự động.

     Hay việc biên soạn, hoàn thành và chia sẻ miễn phí tài liệu “Hướng dẫn học Tin học 8 – Lập trình đơn giản với python” thay thế tạm thời sách giáo khoa để hơn 90% các trường THCS trong tỉnh Lâm Đồng thực hiện giảng dạy môn Tin học lớp 8 theo tài liệu do thầy Phong biên soạn.

     Phát triển các chủ đề hay bài học STEM thành các hoạt động nghiên cứu khoa học kĩ thuật gắn liền với địa phương, từ việc hướng dẫn cho học sinh sử dụng ngôn ngữ lập trình Scratch tái hiện câu chuyện văn học “Cô bé bán diêm”, rồi phát triển dự án phần mềm mang tên “Kể chuyện văn học lớp 6”, đến phát triển chủ đề STEM “Hệ thống phun sát khuẩn bằng dung dịch” thành “Máy sát khuẩn bằng phun sương Nano” và “Máy sát khuẩn bằng khí Ozone”…

Chủ đề STEM: Hướng dẫn mạch mở rộng Micro:bit dạy cho học sinh lớp 6. Ảnh: NVCC

Và lan toả để “toả sáng”

     Chính niềm đam mê, sáng tạo của thầy giáo Nguyễn Tấn Phong đã trở thành “ngọn đuốc sáng” lan toả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và nghiên cứu khoa học đến giáo viên, học sinh trong và ngoài trường.

     Như lời chia sẻ của thầy hiệu trưởng Tống Văn Thiệp, thầy Phong đã bồi dưỡng được hàng trăm học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, 82 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 12 học sinh đạt giải quốc gia; và 2 học sinh được chọn dự thi vòng sơ khảo cuộc thi “Coolest Project Malaysia 2021” khu vực Đông Nam Á.

     Về phần mình, thầy Phong đã có 14 sáng kiến, trong đó 10 sáng kiến công nhận có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp huyện, 3 sáng kiến đã được công nhận có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh, 1 sáng kiến đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, vinh danh sáng kiến tiêu biểu xuất sắc toàn quốc trong “Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” năm 2021.

     Hưởng ứng Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, trong giai đoạn 1, thầy Phong đã tham gia 4 sáng kiến và cũng chuẩn bị những sáng kiến mới tiếp tục tham gia ở giai đoạn sau.

Những năm qua, thầy Phong đã bồi dưỡng được hàng trăm học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ảnh: NVCC

     Với việc tổ chức và hoạt động hiệu quả của câu lạc bộ STEM do thầy Phong làm chủ nhiệm, Tổ chức giáo dục Quỹ Dariu đã tài trợ cho câu lạc bộ trường THCS Đồng Nai 30 laptop, 25 mạch vi xử lý Microbit, 1 robot Mecanum, mỗi năm tặng 10 đến 15 suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, hỗ trợ toàn bộ chi phí cho giáo viên, học sinh tham quan và triển lãm ở hội nghị Vietnam Forward. Hằng năm,Trung tâm Công nghệ thông tin-Truyền thông Vietnet ICT đều tài trợ các phần quà để hỗ trợ giáo viên triển khai giảng dạy chương trình ngoại khoá “Tư duy thời đại số”…

     Cô giáo Nguyễn Thị Sinh – Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Đồng Nai tự hào nói về đoàn viên của mình: “Những nỗ lực, đóng góp của thầy Phong đã được các cấp, các ngành ghi nhận với 13 lần đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở; 2 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 12 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và 3 lần đạt giải Nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; giải Nhất hội thi Sáng tạo kĩ thuật trong CNVCLĐ tỉnh Lâm Đồng (năm 2021); giải Ba hội thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ 10; giải Nhất quốc gia “Giáo viên xuất sắc” hạng mục Khoa học máy tính (năm 2019).

     Thầy Phong cũng được tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú” vào năm 2021. Cùng với đó, năm học 2021 – 2022, thầy giáo Nguyễn Tấn Phong vinh dự được ngành GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

https://laodongcongdoan.vn/vua-sang-kien-cua-giao-duc-stem-o-lam-dong-76666.html

Tin tức khác