Xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

13.11.2019 13:5214627 đã xem

          Xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

          Để  “Xây dựng xã hội học tập” thì nhất thiết phải xây dựng từ gia đình, dòng họ, cộng  đồng, đơn vị... bởi mỗi gia đình, dòng họ, cộng  đồng, đơn vị... đều là tế bào của xã hội. Do đó việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”, đặc biệt việc xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã là việc làm quan trọng và cần thiết.

          Sau 5 năm triển khai đánh giá “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, đến nay, đã có 12/12 huyện, thành của tỉnh Lâm Đồng thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Điều đáng ghi nhận trong công tác này là việc đánh giá đã đi vào thực chất, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đã mang lại cơ hội học tập cho cộng đồng ở xã, phường.

          Trong quá trình triển khai thực hiện, Sở GDĐT Lâm Đồng đã rút ra một số kinh nghiệm như sau:

          1. Nâng cao nhận thức về vai trò của “Cộng đồng học tập”

          Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ở bất cứ đơn vị nào, khi triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã thì các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có nhận thức đúng về việc xây dựng XHHT là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và của toàn dân; hiểu được sự cần thiết của công tác xây dựng XHHT trong thời kỳ mới. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo phát triển sự nghiệp GDĐT, động viên nhân dân tham gia học tập. Phong trào thi đua xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Các ngành, đoàn thể đã nhận thức được vai trò trách nhiệm của ngành mình, tổ chức và đơn vị mình tham gia vào giám sát và đánh giá những tiêu chí được phân công.

          Tác động nữa là triển khai công tác này đã thực sự động viên, khuyến khích phong trào xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã; tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Giúp xã tự đánh giá để lập kế hoạch, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng “Cộng đồng học tập” phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời giúp UBND các cấp đánh giá thực trạng xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã và làm căn cứ đề ra các biện pháp chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo đúng mục tiêu đã đề ra.

          2. Công tác tham mưu, tập huấn, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT

          Thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo xây dựng XHHT cấp tỉnh, Sở GDĐT phối hợp Hội Khuyến học tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nội dung Thông tư số 44 của Bộ GDĐT; Chỉ đạo BCĐ xây dựng XHHT cấp huyện, thành phối hợp với Hội Khuyến học, Phòng GDĐT tham mưu UBND cấp huyện ban hành các văn bản triển khai; Tổ chức tập huấn, triển khai đại trà; quán triệt đầy đủ 15 tiêu chí, cách thu thập minh chứng và quy trình đánh giá; đồng thời có sự phân công cụ thể cho các đơn vị liên quan phụ trách, giám sát, đánh giá từng tiêu chí cụ thể phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, UBND cấp huyện ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá, xếp loại và công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã. Các đơn vị thực hiện tốt như Di Linh, Đà Lạt...

          Phối hợp HKH tỉnh biên soạn tài liệu, tổ chức Hội nghị tập huấn với các nội dung:

          - Năm 2016, tổ chức Hội nghị tập huấn với các nội dung: hệ thống các văn bản từ Trung ương đến địa phương về công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; triển khai Thông tư 44/2014/BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã; triển khai xây dựng mô hình cộng đồng cấp xã trong năm 2016 theo kế hoạch chỉ đạo điểm.

          - Năm 2017, tổ chức tập huấn để triển khai đại trà Quyết định số 281/QĐ-TTg. Toàn tỉnh đã tổ chức gần 40 lớp với trên 3.000 học viên tham dự.

          - Năm 2018, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Đảng ủy khối cơ quan, Đảng ủy khối Doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 01 lớp tập huấn triển khai xây dựng đơn vị học tập cho 500 đại biểu gồm: đại diện cấp Ủy và Chính quyền, Chủ tịch và Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở trực thuộc các đơn vị trên.

          Trong quá trình triển khai, đã có sự phối hợp khá chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức và các đơn vị đặc biệt là của Hội Khuyến học các cấp với Sở, Phòng GDĐT... các thiết chế phục vụ cho hoạt động giáo dục được đầu tư, tăng cường cho việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập ở các cơ quan, đơn vị...

          3. Tổ chức đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã

          Để triển khai điểm việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT tại địa phương, Sở GDĐT đã có hướng dẫn hồ sơ và các biểu mẫu đánh giá xếp loại. Hội Khuyến học từ tỉnh đến các huyện đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức cho các cấp, ngành và người dân về đẩy mạnh xây dựng các mô hình học tập; tập huấn triển khai bộ 15 tiêu chí đánh giá theo quy định và các quy trình thực hiện. Đồng thời tham mưu UBND các cấp thành lập Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập. Hội Khuyến học cấp xã đã chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện, đánh giá, xếp loại các danh hiệu học tập, gắn kết các tiêu chí của “Cộng đồng học tập” cấp xã với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đăng ký mức xếp loại, tích cực thu thập minh chứng. Đồng thời chủ động phối hợp với các đoàn thể, các đơn vị trường học thực hiện việc tự kiểm tra, đánh giá, xếp loại hằng năm.

          - Sở GĐĐT đã hướng dẫn phòng GDĐT các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai đại trà trên địa bàn mình quản lý theo tiến độ sau:

+ Từ tháng 1- tháng 3: Chỉ đạo cấp xã phê duyệt kế hoạch xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tự đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã, quán triệt các tiêu chí và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá các tiêu chí cho các đơn vị liên quan trong xã.

+ Từ tháng 4 đến tháng 6: Chỉ đạo các đơn vị triển khai giám sát các tiêu chí đã được phân công; tổ chức cuộc họp giữa năm để các đơn vị được phân công báo cáo tiến độ, kết quả giám sát các tiêu chí và các khó khăn, kiến nghị cần thiết.

+ Từ tháng 7 đến tháng 9: Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục giám sát các tiêu chí đã được phân công và chuẩn bị thu thập các minh chứng để đánh giá tiêu chí.

+ Từ tháng 10 đến tháng 12: Chỉ đạo cấp xã thu thập các minh chứng; tự kiểm tra, xếp loại, trình UBND cấp huyện kiểm tra, đánh giá, xếp loại; phòng GDĐT phối hợp với Hội khuyến học cấp huyện kiểm tra, lập hồ sơ trình UBND cấp cấp huyện quyết định công nhận kết quả xếp loại.

          Các phòng GDĐT đã phối hợp với Hội khuyến học các huyện thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 44 tại các huyện, thành phố để hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

          4. Kết quả thực hiện

          Sau 5 năm thực hiện TT 44, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện tốt việc tổ chức đánh giá, xếp loại, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã theo các tiêu chí quy định tại Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ GDĐT; Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm sau một năm thực hiện Đề án. Trên cơ sở đó, nhân rộng điển hình các mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” thôn, tổ dân phố và “Đơn vị học tập” để triển khai thực hiện đại trà từ năm 2017.

          Hiện nay toàn tỉnh147/147 (xã, phường, thị trấn) đăng ký xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã; 68 cấp xã (chiếm 46,3%) xếp loại tốt, 59 cấp xã (chiếm 40,1%) xếp loại khá, 19 cấp xã (chiếm 12,9%) xếp loại trung bình, chỉ có 01 cấp xã (chiếm 0.68%) là chưa đạt. Trong đó Đà Lạt, Đơn Dương, Đạ Tẻh là những địa phương có nhiều đơn vị cấp xã xếp loại tốt.

          Xác định được công tác đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã là việc làm thường xuyên, hàng năm để giúp cho các đơn vị địa phương cấp xã đánh giá thực chất và hiệu quả hơn công tác xây dựng XHHT tại địa phương; góp phần đánh giá về sự chuyển biến nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về việc học tập suốt đời, học tập thường xuyên để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề góp phần nâng cao năng xuất lao động, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bề vững và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương... trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về vai trò và lợi ích của công tác xây dựng các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” cấp xã. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng để huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị trong tỉnh thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã một cách thiết thực, hiệu quả./.

Phòng GDTX Sở GDĐT

Một số hình ảnh:

 

Tin tức khác